Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có khó không câu “của vợ, công chồng”?

Đan Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi sau lưng người đàn ông thành đạt là một người phụ nữ dường như là chuyện quá bình thường, nhưng sau lưng người phụ nữ thành đạt là một người đàn ông chấp nhận lùi lại vẫn khá nhiều chuyện nảy sinh.

Bởi xuất phát từ quan niệm, đàn ông phải là trụ cột về kinh tế, có làm việc nhà cũng chỉ là "giúp vợ", nên khi vợ có công danh, thu nhập cao hơn chồng cũng như con dao hai lưỡi, sợi dây bện mái ấm gia đình luôn bị con dao này đe dọa cắt đứt nếu người trong cuộc không tìm được một thái độ ứng xử phù hợp.
Thực tế, hiện có hai thái cực dẫn đến những buồn phiền. Khi người phụ nữ kiếm được nhiều tiền hơn chồng, hàng ngày đi làm về, nhìn thấy chồng cứ cặm cụi với việc nội trợ sẽ dấy lên trong cảm giác ngao ngán, bực dọc và lúc nào cũng cảm thấy mình bất hạnh. Còn ở phần ngược lại, không ít người đàn ông, mặc dù “cực chẳng đã” phải lùi lại, họ vẫn luôn thấy bức bối khi phải “chịu” lép vế trước vợ về công danh và dẫn đến cách hành xử tiêu cực.
Một người đàn ông chấp nhận lùi lại làm hậu phương cho vợ đã chia sẻ, hạnh phúc gia đình anh ngày càng nguội lạnh cũng bởi thái độ lạnh lùng và khiêu khích của chị cùng những đồng tiền chị mang về. Anh thừa nhận một điều rằng: “Vợ mình giỏi giang, xinh đẹp, con đường thăng tiến rất nhanh”.
 Ảnh minh họa.
Nhưng anh không ghen tức, không buồn vì điều đó. Anh thầm phục chị và ngầm ủng hộ để chị nắm bắt được cơ hội vươn lên. Bởi anh hiểu rằng, cũng như người đàn ông, nếu thiếu một hậu phương, chị sẽ khó vững lòng tiến bước.
Nhưng rồi khi con đường thăng tiến của chị cứ cao dần, anh thấy mình thụt lại phía sau cùng thái độ kể cả của chị trong gia đình. Đúng là chị là người làm ra kinh tế chính, những khoản mua sắm lớn nhỏ trong nhà đều một tay chị lo toan. Nhưng đồng nghĩa với kiếm được nhiều tiền hơn chồng, trong ánh mắt chị anh chẳng còn là gì cả.
Đêm đêm nằm cạnh anh, chị lại thở dài. Rồi chị khen người này, người nọ, họ lịch lãm, họ giỏi... Có người bạn lên tiếng khuyên anh hãy dứt bỏ cái vai trò “hậu phương” để vươn ra, cạnh tranh với chị, để chị thấy rằng không chỉ chị mới là “trụ cột kinh tế của gia đình”.
Nhưng nếu làm thế thì quá dễ. Bởi anh không phải người cổ hủ, bất tài hay chậm tiến. Nhưng nếu anh cũng đi sớm về khuya, cũng lu bù trong những bữa nhậu để tạo mối quan hệ, cũng liên miên trong công việc, rồi những chuyến công tác xa nhà, vậy có phải vô tình đẩy con anh vào cảnh “mồ côi khi bố mẹ còn sống” và điều quan trọng hơn cả là anh yêu cái gia đình của mình.
Của chồng công vợ, tiền của ai chẳng được, miễn là thu nhập chính đáng. Nhưng có những lúc vấn đề lại không đơn giản vậy. Ngược lại với người đàn ông trên, trong một câu chuyện khác, bất hạnh lại đến từ việc người chồng quá tự ti khi thua kém vợ.
Một người phụ nữ là trụ cột kinh tế trong gia đình đã chia sẻ, hiện các khoản thu chính trong gia đình là từ chị. Nhưng cũng điều đó khiến chị mất dần sự chăm sóc của chồng. Anh khó chịu, bắt ne, bắt nẹt từng cử chỉ đến lời nói. Chị lỡ lời một chút là anh gầm lên: “Phải rồi, cô giỏi...”. Lẽ ra gia đình là nơi nương tựa, nghỉ ngơi sau những ngày làm việc mệt nhọc, thì giờ đây chị cứ phải canh chừng lời ăn tiếng nói sợ chồng giận.
Có lẽ cái ý thức đàn ông quá lớn đã khiến anh trở thành một người tự ti đến quá mức, muốn gồng lên khẳng định mình trước vợ bằng những cách làm tiêu cực, cố chấp và đẩy gia đình hạnh phúc vào bất hạnh. Chị bảo, cũng bởi tâm trạng u uất, không thoát ra được cảm giác tự ti vì thua kém vợ, anh tìm đến rượu để giải sầu. Nhưng do không phải là người uống giỏi, nên chỉ một vài chén là say, là quay ra lăng mạ vợ, chửi mắng con. Cuộc sống gia đình đúng ra phải hạnh phúc thì bây giờ rất nặng nề. Nên mỗi khi có ai khen rằng gia đình chị thật sung sướng vì kinh tế đầy đủ, con cái đề huề, chị lại thở dài.
Có lẽ rằng, những câu chuyện ấy không phải là cá biệt trong cuộc sống hôm nay, khi không ít người phụ nữ đã và đang khẳng định khả năng của mình ngoài xã hội. Nhưng để câu “của chồng công vợ” không còn quá khó, phụ thuộc nhiều vào cách hành xử của mỗi người trong cuộc. Bởi vậy, những người phụ nữ vượt lên về công danh nên thấu hiểu tâm tư, tình cảm nửa còn lại mà có những hành động cho đúng, phù hợp.
Còn bản thân người đàn ông, thấy vợ mình thành công nên lấy làm vui, không nên bị cảm giác lép vế dằn vặt và sinh ra đố kỵ. Để làm được điều đó, người phụ nữ phải thật tinh tế trong lời nói và khéo léo trong ứng xử, tránh làm tổn thương bạn đời. Ngược lại, về phần mình, đàn ông cũng cần có cái nhìn thoáng hơn trong xã hội hiện đại. Có một người vợ với trình độ và thu nhập cao đáng để tự hào. Dù gì đi nữa, họ vẫn là phái yếu và cần một bờ vai vững chắc để nương tựa.