Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có một Hoàng Vân như thế

Duy Thịnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhắc đến Hoàng Vân, công chúng yêu âm nhạc và đồng nghiệp thường nhớ đến một bậc đàn anh trong nghề, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Trong khi đó, ít ai biết về một Hoàng Vân với những nét hào hoa người Hà Nội cùng một tình yêu TP của mình. Nhân một năm ngày ông đi xa, xin chia sẻ một vài kỷ niệm về ông.

 Hoàng Vân với những nét hào hoa
Người thầy lớn của tôi
Tôi gặp nhạc sĩ Hoàng Vân lần đầu tiên tại nhà nhạc sĩ Nguyễn Cường năm 1998. Đó là một buổi sáng đầu Thu, nhạc sĩ Nguyễn Cường gọi tôi tới nhà ông ở 94 Hàng Bạc cùng cà phê như thường lệ. Khi tôi bước vào, nhạc sĩ Nguyễn Cường hồ hởi: “Giới thiệu với em đây là nhạc sĩ Hoàng Vân, người mà cách đây mười năm anh muốn gặp mà không dám”.

Biết tôi là người yêu âm nhạc, Hoàng Vân chuyện trò thân mật và hỏi han nhiều điều. Rồi ông về nhà tôi chơi. Dần dần giữa tôi và ông thấy có những điều hợp nhau. Rồi ông lập ra nhóm bạn bè cà phê Phố Cổ gồm có ông, nhạc sĩ Nguyễn Cường, Minh Đạo, Vĩnh Thưởng và tôi. Biết tôi cũng thích và bập bẹ viết ca khúc, ông nhiệt tình động viên. Nhưng tới một hôm ông đột nhiên bảo: “Em phải học sáng tác nghiêm chỉnh đi, và tôi sẽ dậy em. Nhạc viện gọi tôi về dậy nhưng tôi muốn nghỉ. Còn em tôi muốn dậy để ta chơi với nhau”.
Tôi thật cảm động và cũng thật bất ngờ với lời đề nghị của ông, chỉ còn biết cảm ơn mối nhân duyên cho tôi được gặp ông. Rồi lớp học một thầy một trò cũng được mở tại nhà tôi. Học xong buổi đầu tiên, ông bảo: “Bây giờ về nhà tôi, bà Ngọc Anh (vợ nhạc sĩ Hoàng Vân – phóng viên) nhà tôi sẽ có quà cho hai thầy trò”. Hai thầy trò về 14 Hàng Thùng nhà ông. Bà Ngọc Anh bưng ra ba bát chè sen long nhãn. Ông bảo: “Bà ấy mừng lớp ta khai giảng theo lối người Hà Nội xưa, phải đãi khách ở nhà thì mới sang, chứ ra hiệu là hỏng!”

Say mê với các thú chơi tao nhã

Một lần, ông tới nhà tôi rủ tôi lên Yên Phụ, nơi bán đồ cổ. Cánh bán hàng ở đây hầu hết biết ông và coi ông là vị khách sộp. Hôm ấy, ông nói với tôi rất kỹ về đồ gốm, đồ sành, đồ sứ, đồ gỗ... Nhờ ông mà tôi biết có nhiều loại men, men túy lam, túy lĩnh, men rạn… nhưng ông thích nhất là men túy hồng. Ông bảo, khi đau đầu cần tĩnh tâm ta ngồi ngắm màu men túy hồng sẽ thấy như có một dòng huyết chảy dưới lớp men. Tâm của ta sẽ tĩnh lại!
Nhạc sĩ Hoàng Vân trong một phiên chợ Bưởi - Hà Nội. Ảnh: Duy Thịnh
Nhạc sĩ còn có thú chơi chim và cây cảnh. Nhà tôi có một cây du ta dáng huyền ông rất thích. Cứ trước Tết chừng một tháng ông qua lấy kéo cắt tỉa, uốn thế rồi dặn: “Khi nào cây nẩy trồi non em nhớ gọi tôi qua uống cà phê để ta xem tại sao vỏ cây cứng như thế, mầm non mềm như vậy mà sao mầm vẫn chui ra và vươn lên được? Phải chăng đấy mới là sự sống?”.

Ông lại có cái tài luyện chim gáy. Một lần ông rủ tôi lên chợ Bưởi, ông chọn mua được một con chim gáy mộc, đưa về nuôi và dạy. Yêu các phiên chợ truyền thống nên khi nghe tin chợ Mơ cũ sắp bị phá để nhường chỗ cho một khu nhà cao tầng ông buồn lắm. Ông qua rủ tôi đi chợ Mơ. Tôi và ông đi chợ mà tôi cảm thấy bước chân của ông nặng hơn mọi lần. Ông tần ngần ngắm mấy hàng bán cây, chim, cá cảnh... Nhạc sĩ Hoàng Vân có những thú vui để chia sẻ và sự quan tâm khiến mọi người thích thú và cảm động như vậy.

Thầy đồ và thú du Xuân cùng bạn bè

Hoàng Vân có một sở thích và tài viết thư pháp. Ông chỉ viết chơi rồi treo ở nhà, quý ai thì ông tặng. Ông chọn người để tặng và chọn chữ để cho. Ông có một con dấu riêng, mỗi bức thư pháp viết xong ông đều ấn một nét triện son vào góc thư pháp với chữ: Thọ Xương lão gia Hoàng Vân, ý nói ông cũng là ông đồ của Thọ Xương Hà Nội xưa… Là con người sáng tạo, ông không viết những chữ cũ kỹ đến sáo mòn. Có những bức ông tặng các anh Nguyễn Cường, Vĩnh Thưởng mà tôi rất thích như Hạp trung bảo kiếm, Bích giản tàng long.

Sinh thời, hàng năm tới dịp Xuân về, Tết đến Hoàng Vân hay rủ mấy anh em đi chơi chợ hoa Hàng Lược. Ngày khai trương chợ hoa cũng là ngày mở chợ đồ cổ . Ông bảo: Đi chợ là để đón không khí mùa Xuân đang về, ta nên mua một cành đào sớm đón Xuân, chơi Xuân như vậy mới được dài.

Bây giờ hàng năm anh em chúng tôi với nhạc sĩ Nguyễn Cường vẫn rủ nhau đi chợ hoa Hàng Lược, cũng mua mua, bán bán, cũng chờ đón Xuân về. Mà anh em còn đông hơn nhưng sao cứ thiếu vắng một điều gì đó. Có một khoảng trống rất lớn mà nhạc sĩ Hoàng Vân để lại khi ông ra đi. Những dấu ấn, kỷ niệm về ông quá sâu đậm trong chúng tôi mà không có gì thay thế được.

Ông mãi vẫn là một áng mây vàng đẹp đẽ trên nền trời âm nhạc Việt Nam và luôn là một người thầy, người anh vô cùng đáng kính trong lòng chúng tôi.

Ông hay rủ tôi đi chợ phiên xem cây. Phiên nào chợ nấy, ông rất nhớ ngày các chợ họp theo lịch ta. Chợ Bưởi họp những ngày 4, ngày 9. Chợ Mơ ngày 2, ngày 7. Chợ Hà Đông ngày 5, ngày 10… Ông hay mua cây mộc có gốc to, lá trụi hết về tự trồng. Ông bảo khi cây mình trồng nó vào thế, ra lộc, ra cành, lúc đó ta ngắm thành quả mới thấy sướng, chứ mua cây trồng sẵn trong chậu thì chán.