Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có một Timor-Leste luôn phải vật lộn trong khó khăn và bất ổn

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tưởng chừng là một quốc gia đầy dân chủ và tự do, Timor-Leste lại đang bị xâu xé bởi tham vọng quyền lực không hồi kết từ chính những lãnh tụ cách mạng.

Cựu Tổng thống Timor-Leste, Xanana Gusmão, chuẩn bị ứng cử Thủ tướng sau thành công vang dội của đảng Quốc đại vì sự Tái thiết Timor-Leste (CNRT) trong cuộc bầu cử vào tháng 5/2023 vừa qua.

Bên cạnh Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc, Timor-Leste nổi lên là một trong những quốc gia dân chủ nhất châu Á khi quá trình bầu cử luôn được quốc tế công nhận.

Tính dân chủ ở Timor-Leste được thể hiện ở hai điểm, gồm công tác bầu cử được bảo trợ bởi Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và tinh thần bầu cử chủ động, sốt sắng của người dân.

Timor-Leste đang gặp vô vàn khó khăn. Nguồn: Devpolicy Blog
Timor-Leste đang gặp vô vàn khó khăn. Nguồn: Devpolicy Blog

Tuy nhiên, mọi việc không hề đơn giản như vậy. Các nhà lãnh đạo nước này dường như chỉ xem việc bầu cử là thủ tục để hiện thực hóa tham vọng cá nhân, thay vì lợi ích đất nước. Minh chứng là lãnh đạo đảng Fretilin và cựu Thủ tướng Mari Alkatiri đã hai lần nhấn mạnh về việc cai trị với bộ phận thiểu số trong nghị viện, hay cách ông Gusmão hết lần này đến lần khác hạ bệ những phe phái không tuân theo mình.

Dù những chính trị gia trẻ tuổi vẫn trông đợi thời điểm cả ông Gusmão lẫn ông Alkatiri, cả hai đều trên 70 tuổi, từ giã đấu trường chính trị và trao cơ hội cho thế hệ trẻ. Thế nhưng, quyền lực không phải là thứ mà bất kỳ ai cũng sẵn sàng từ bỏ.

Ngay cả Hiến pháp của Timor-Leste đôi khi cũng trở thành công cụ cho những hành vi phi dân chủ, bao gồm các cuộc tranh luận về thành lập chính phủ hay nhiều trường hợp quan chức vi hiến. Tổng thống José Ramos-Horta từng tuyên bố không cho phép các đảng có dính líu đến băng đảng hình thành liên minh.

Điều này dẫn đến các cuộc tranh luận về quyền hiến định của tổng thống, nhất là khi Timor-Leste đang hoạt động theo thể chế bán tổng thống, trong đó tổng thống có quyền hạn tích cực và độc lập. Bán tổng thống chế là hệ thống trong đó trong đó tổng thống và nội các chia sẻ chức năng hành pháp.

Trong trường hợp thiếu quyền hiến định, tổng thống phải ký thành lập chính phủ mới theo đề xuất của lãnh đạo phe đa số trong nghị viện. Người tiền nhiệm của Ramos-Horta, Tổng thống Francisco Guterres đã từ chối bổ nhiệm nhiều quan chức thuộc CNRT vì những cáo buộc tham nhũng, buộc ông Xanana Gusmão phải rút CNRT ra khỏi liên minh cầm quyền và trở thành chính phủ thiểu số trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 5/2020.

Ngoài ra, chính phủ luôn đối mặt tình trạng thâm hụt ngân sách. Nguồn thu nhập khổng lồ của đất nước, quỹ dầu mỏ trị giá 15 tỷ USD, đã bị rút ra tiêu phung phí. Với tốc độ này, Timor-Leste sẽ cạn tiền ngay sau năm 2030.

Để giải quyết mối lo kinh tế, ông Gusmão đang cố gắng phát triển mỏ khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Greater Sunrise. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định hiện chưa có bất kỳ cơ sở nào chế biến LNG và chi phí xây dựng ước tính lên đến 8 tỷ USD. Để thực hiện dự án này, Timor-Leste phải tự trích ngân quỹ mà không được Australia hỗ trợ vì lo ngại rủi ro. Việc này đồng nghĩa quỹ 15 tỷ USD của quốc gia này sẽ nhanh chóng cạn kiệt.

Ngoài ra, nỗ lực phát triển du lịch, tăng khả năng tự cung lương thực và đa dạng hóa nền kinh tế cho đến nay đều thất bại. Với thị trường nội địa nhỏ, sản suất hạn chế, chi phí cao và không có trữ lượng dầu mỏ, triển vọng phát triển kinh tế của nước gia này rất hạn chế.

Trong số các quốc gia đang phát triển, Timor Leste đang nổi lên là một quốc gia đầy dân chủ, nhưng không có nghĩa nước này có thể tránh được những cạm bẫy kinh tế từ các đối thủ hoặc hậu quả từ xung đột chính trị.