Nạn nhân bị chấn thương nặng và ngay lập tức, người ta lên án hành vi của Quế Ngọc Hải, đòi VFF phải treo giò dài hạn, hoặc vĩnh viễn… Phải lên án… Việc Quế Ngọc Hải ra chân với cầu thủ Anh Khoa của SHB Đà Nẵng khiến dư luận bị sốc. Một tuyển thủ quốc gia lại có thể thiếu chuyên nghiệp đến mức gây ra chấn thương nặng với đồng nghiệp. Đáng nói, Anh Khoa đang có hoàn cảnh rất khó khăn, đang một mình lo cho gia đình bằng đồng lương hạn chế. Nếu phải giã từ sự nghiệp thì sự khủng hoảng sẽ đến với cầu thủ này.
Vấn đề ở đây không chỉ là nỗi đau mà Anh Khoa đang gặp phải. Hồi chuông báo động về nạn bạo lực đã được gióng lên từ nhiều năm qua. Từ chuyện cựu tuyển thủ Trần Đình Đồng của SLNA - một đàn anh của Quế Ngọc Hải đã đá gẫy chân cầu thủ Anh Hùng của An Giang, đến việc cầu thủ Văn Nam của Hải Phòng mới đây bị treo giò hết giải vì “đấu võ” ở sân Cẩm Phả… cho thấy, bóng đá Việt Nam đang phải đối diện với lối hành xử nghiệp dư. Nhiều cầu thủ luôn nhăm nhăm đá triệt hạ đối phương nhằm tìm kiếm lợi thế trong thi đấu. Nhưng, mọi chuyện sẽ không trở thành xu hướng xấu nếu ban lãnh đạo, HLV các đội bóng không cổ xúy cho lối chơi bạo lực. Thậm chí, lãnh đạo của SLNA khi Quế Ngọc Hải đá chấn thương đồng nghiệp vẫn một mực khẳng định cầu thủ này ngoan, không cố ý. Tư duy bao biện và ủng hộ cái xấu đó sẽ cổ vũ lối chơi đậm chất bạo lực ở V.League. Và nó khiến cuộc chơi trở nên méo mó, đánh mất niềm tin nơi người hâm mộ cũng như các nhà tài trợ. Nhưng đừng bi kịch hóa Câu chuyện liên quan đến Quế Ngọc Hải đang được đẩy thành bi kịch. Dư luận thỏa sức phán xét, thậm chí đang có rất nhiều người yêu cầu VFF phải loại bỏ cầu thủ này khỏi đời sống bóng đá. Đúng là cần phải lên án cái xấu, đưa ra những án phạt nghiêm khắc nhằm đảm bảo cuộc chơi. Thế nhưng, bình tĩnh trong phán đoán, khoan dung trong cách nhận xét cũng chính là cơ hội để nền bóng đá không chệch hướng. Đặt ra vấn đề trên là bởi, thay vì lo lắng, quan tâm xem cách chữa trị chấn thương, thậm chí là nghĩ đến giải pháp giúp Anh Khoa hòa nhập với đời sống nếu không thể thi đấu, thì người ta lại nhắm đến việc phán xét đạo đức cầu thủ phạm lỗi. Bất chấp việc cầu thủ này đã đứng ra xin lỗi, vào tận Đà Nẵng tìm cách khắc phục hậu quả thì dư luận lại dành nhiều thời gian để chỉ trích, bôi đen, vùi dập một tài năng. Người ta sợ rằng, những cái tát tới tấp của dư luận sẽ đánh gục một tài năng như Quế Ngọc Hải. Nói điều này không phải để bênh cầu thủ này, mà là muốn cơ quan quản lý, dư luận phải bình tĩnh xét đoán sự việc theo con mắt lý tính. Chúng ta lên án bạo lực sân cỏ nhưng không bi kịch hóa những va chạm trên sân cỏ để rồi chặn con đường tiến lên của người liên quan. Hãy phạt nặng, nhưng đừng đẩy vấn đề va chạm thành đạo đức con người và cần phải đưa ra những định hướng để nền bóng đá không đi vào vết xe đổ cũ. Một án phạt không chỉ là sự trừng phạt với người mắc lỗi mà còn phải tạo ra tính răn đe cho cuộc chơi. Giúp một cầu thủ nhận thức sai lầm tốt hơn là vùi dập họ dưới búa rìu dư luận.
Pha phạm lỗi rợn người của Quế Ngọc Hải. |