Có nên bỏ trách nhiệm hình sự với hành vi đưa hối lộ?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, trong nhiều giải pháp được đưa ra để hạn chế vấn nạn hối lộ và nhận hối lộ, đề xuất miễn trách nhiệm hình sự với người đưa hối lộ nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Có nên bỏ trách nhiệm hình sự với hành vi đưa hối lộ? - Ảnh 1
Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Luật sư Bùi Quang Thu – Đoàn Luật sư TP Hà Nội về nội dung này.

Thưa ông, có ý kiến cho rằng, theo pháp luật hiện hành, nếu đưa hối lộ rồi tố cáo thì bị xử vì tội đưa hối lộ, nên người dân dù có bị vòi vĩnh, “đòi” hối lộ cũng không tố cáo tham nhũng. Do đó, cần quy định để các trường hợp đưa hối lộ mà tố cáo thì không chịu trách nhiệm hình sự?

- Theo tôi, đề xuất này có phần chưa đảm bảo tính công bằng của pháp luật. Tại sao hành vi nhận hối lộ bị xét trách nhiệm hình sự mà hành vi đưa hối lộ lại không? Hơn nữa, trên thực tế, hành vi đưa hối lộ diễn ra “phong phú”, đa dạng chứ không đơn thuần như trên văn bản. Nếu chỉ đưa ra quy định chung chung không xét trách nhiệm hình sự với hành vi đưa hối lộ thì rất dễ bỏ lọt tội.

Ông có thể giải thích rõ hơn?

- Cụ thể, trong thực tế, hành vi đưa hối lộ không chỉ là do người đó bị ép buộc, vòi vĩnh mà còn có trường hợp chủ động đưa hối lộ để đạt được mục đích có lợi cho bản thân, để chạy chức, chạy quyền... Nếu những trường hợp này mà được miễn trách nhiệm hình sự thì vô hình trung lại trở thành phản tác dụng, giúp cho việc đưa - nhận hối lộ dễ dàng hơn, nhất là khi có sự thỏa thuận về lợi ích giữa hai bên.

Vậy, làm thế nào để quy trách nhiệm hình sự đúng người, đúng tội với hành vi đưa hối lộ, thưa ông?

- Phải phân biệt được động cơ đưa hối lộ. Điều này, tôi cho rằng, cơ quan điều tra hoàn toàn có khả năng làm rõ hành vi đưa hối lộ là do có sự ép buộc hay do vụ lợi. Nếu hành vi đưa hối lộ được làm rõ là do ép buộc, bị dọa nạt mà bắt buộc phải thực hiện thì sẽ được coi là tình tiết giảm nhẹ.
 
Ảnh minh hoaj
Ảnh minh họa.
Theo ông, cần có biện pháp gì để khuyến khích người dân tích cực tham gia phòng chống tham nhũng, tố cáo tiêu cực?

- Hiện nay, các cơ quan chức năng đã sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật như kê khai tài sản, thu nhập, kiểm tra nguồn gốc tài sản để nhằm hạn chế tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đã ban hành thông tư về việc thưởng tố cáo tham nhũng… Nhưng tôi cho rằng, phải tổng hợp nhiều giải pháp mới thực sự ngăn chặn được vấn nạn này và động viên người dân chống tham nhũng. Theo tôi, về cơ bản, phải có sự tiếp nhận phù hợp với các tố cáo tiêu cực, phản hồi rõ ràng về các tố cáo đó. Nếu tố cáo đó là đúng sự thực thì cần giải quyết rốt ráo, không để “chìm xuồng”, làm mất niềm tin của người dân vào công cuộc phòng chống tiêu cực. Ngoài ra, cần có cơ chế bảo vệ cho những người tố cáo tham nhũng để người dân chủ động hơn nữa trong việc tố cáo tham nhũng, tiêu cực.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần