Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có nên cấm Thanh tra giao thông dừng xe trên đường?

Yến Dư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ sắp được trình lên Quốc hội xem xét, có quy định chỉ lực lượng CSGT được phép dừng xe kiểm tra trên đường. Đề xuất Thanh tra GTVT không được dừng xe kiểm tra hiện còn gây nhiều tranh cãi.

Theo Lãnh đạo Cục CSGT, Bộ Công an, trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, UBND các địa phương, tuy nhiên việc xác định cơ quan chịu trách nhiệm chính về trật tự, ATGT đường bộ chưa rõ ràng, rành mạch dẫn đến chồng chéo khi tổ chức thực hiện. Do đó, Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ đã xác định, nguyên tắc bảo đảm trật tự ATGT đường bộ là một nội dung của bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội… là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó Bộ Công an là cơ quan chịu trách nhiệm chính.
 Thanh tra giao thông Hà Nội xử lý xe khách vi phạm trên đường Giáp Bát. Ảnh: Hải Linh
Đối với công tác tuần tra, dự thảo Luật đề xuất quy định, thay vì hai lực lượng gồm CSGT và Thanh tra GTVT chỉ còn một lực lượng là CSGT được phép dừng xe kiểm tra trên đường. Đề xuất này nhận được một số ý kiến đồng tình nhưng cũng có không ít dư luận trái chiều, nghi ngại. Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định, hiện nay có rất nhiều lực lượng cùng tham gia vào công tác tuần tra, xử lý vi phạm giao thông, bao gồm cả CSGT, Thanh tra GTVT, Cảnh sát trật tự… Nhưng hiệu quả xử lý vẫn chưa được như mong muốn. “Nếu chỉ có một lực lượng CSGT được dừng xe kiểm tra vi phạm, liệu có dẫn đến tình trạng làm không xuể, bỏ lọt, sót vi phạm hay không?” - ông Nguyễn Mạnh Thắng đặt vấn đề.

Trên thực tế, ở nhiều địa phương, đặc biệt là các TP lớn, công tác kiểm tra xử lý xe vi phạm trên đường như quá khổ, quá tải, chở quá số người, dừng đỗ sai quy định… còn diễn ra phổ biến. Ví dụ như tại Hà Nội, các tuyến đường Phạm Hùng, Kim Đồng, Pháp Vân… đều có xe khách, xe tải vi phạm hàng ngày. Nhiều đơn vị chức năng khi nói về tình trạng này đều cho rằng, do lực lượng mỏng, không đủ chốt trực, tuần tra nên vi phạm còn tái diễn. Vậy nếu chỉ còn một lực lượng CSGT được phép dừng xe, liệu có thể đủ người kiểm tra, xử lý không?

Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành phân tích thêm: “Hiện vi phạm về giao thông của xe cá nhân, bao gồm cả ô tô, xe máy như đi lấn làn, vượt đèn đỏ, leo vỉa hè… còn rất nhiều, lực lượng CSGT đã phạt không xuể. Nếu đem tất cả gánh nặng xử lý xe cá nhân lẫn xe kinh doanh vận tải đặt lên vai họ, vừa khiến lực lượng này quá tải, vừa làm giảm rõ rệt hiệu quả xử lý”.

Các chuyên gia cho rằng, biện pháp tốt nhất hiện nay là ứng dụng công nghệ thông tin, xử phạt nguội qua hình ảnh camera, giám sát hành trình để kiềm chế vi phạm giao thông của cả xe cá nhân lẫn xe kinh doanh vận tải. Việc đầu tư, lắp đặt hệ thống này cũng cần một thời gian dài nữa mới có thể hoàn thiện. Bởi vậy, các lực lượng chức năng như: CSGT, Thanh tra GTVT vẫn cần được trao thêm trách nhiệm cũng như quyền hạn trong công tác xử lý. Việc nên làm hiện nay là điều chỉnh các quy định về kiểm tra, xử phạt vi phạm cho phù hợp với thực tế. Các lực lượng chức năng cần được phối hợp bài bản, luân phiên tuần tra, kiểm soát, xử lý, chia sẻ gánh nặng cùng nhau. Mặt khác, CSGT còn một nhiệm vụ rất quan trọng nữa là chủ công trong phân luồng, điều tiết giao thông; nếu không có Thanh tra GTVT và các lực lượng khác gánh đỡ việc kiểm tra, xử lý trên đường sẽ quá tải và khó đạt hiệu quả chung cho công tác bảo đảm trật tự, ATGT.