Có nên cấm trông xe qua đêm trong sân trường? - Bài 3: Nên chuyên nghiệp hóa việc trông giữ phương tiện

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến vấn đề trông giữ phương tiện qua đêm tại các sân trường, lãnh đạo nhiều địa phương cho rằng, việc cho phép trông giữ phương tiện trong nhà trường sẽ giải quyết được nhiều vấn đề “nóng” trong xã hội.

Tuy nhiên, để áp dụng quy định này vào thực tiễn, các đơn vị chức năng sẽ có không ít việc phải làm.
Nhà nước, Nhân dân cùng hưởng lợi
Ông Đinh Đức Hiếu – Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng cho biết, trong hoàn cảnh thiếu điểm trông giữ phương tiện như hiện nay, việc cho phép trông giữ phương tiện qua đêm, theo khung giờ quy định tại các sân trường nói riêng và trụ sở các cơ quan nói chung là điều đáng để cân nhắc. Bởi, nếu việc làm này được thông qua sẽ giải quyết được nhu cầu của không ít chủ phương tiện. Tuy nhiên, việc trông giữ ra sao, số lượng như thế nào, phải được căn cứ trên diện tích của sân trường, trụ sở các cơ quan... Cùng với đó, chính quyền các địa phương cần phải tăng cường kiểm tra giám sát việc chấp hành quy định của đơn vị tổ chức trông giữ.

Xe ô tô gửi trong trường Tiểu học Đoàn Kết. Ảnh: Công Trình

Ở một góc độ khác, theo thống kê của Sở GTVT, trên địa bàn TP hiện có khoảng 2.000 điểm trông giữ phương tiện. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20% số điểm có phép, có tư cách pháp nhân, có trả tiền thuê mặt bằng, có đóng thuế cho Nhà nước… nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu của các phương tiện. Vậy 90% phương tiện còn lại đang đỗ ở đâu? Và ai là người thu tiền, mức phí thu ra sao? Tiền thu được có đồng nào vào ngân sách hay không?... Do đó, nhiều người cho rằng, việc cho phép trông giữ phương tiện qua đêm trong sân trường, trong các cơ quan Nhà nước là điều cần thiết. Bởi, tại nhiều nơi, mặc dù đã nghiêm cấm nhưng các đơn vị vẫn vi phạm. “Nếu việc làm này được cho phép, nó không chỉ giải một phần bài toán thiếu điểm đỗ xe tĩnh, mà sẽ giúp ngân sách Nhà nước tăng thêm nguồn thu” – lãnh đạo một phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm chia sẻ.
Trong khi đó, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch HĐQT trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nêu vấn đề, đối với cơ sở trường học, bảo đảm an toàn cho học sinh được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh nhu cầu gửi xe của người dân là rất lớn thì có thể cho gửi xe ban đêm trong trường nhưng phải bảo đảm được an toàn, không ảnh hưởng tới HS. Đặc biệt, cần phải công khai minh bạch hóa nguồn thu từ việc trông giữ phương tiện, tránh lợi ích nhóm của một số cá nhân trong các nhà trường. Chi cái gì, làm việc gì... đều phải được làm rõ. Nơi nào được sử dụng, nơi nào không...
Tìm hướng chuyên nghiệp hóa
Thực tế cho thấy, không phải bây giờ phương án tận dụng tổ chức trông giữ phương tiện về đêm trong sân các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là trong sân trường mới được đề cập. Tuy nhiên, những vụ tai nạn liên tiếp xảy ra trong sân trường diễn ra trong thời gian qua đã khiến phương án này đi ngược lại với chủ trương chung. Thế nhưng, nói đi cũng phải nói lại, những sự cố xảy ra trong sân trường trong thời gian gian qua đều do những cá nhân vi phạm các quy định về giờ giấc ra vào. Thậm chí, là sự chủ quan của những người đứng đầu các cơ sở gây ra. Bên cạnh đó, việc tổ chức trông giữ phương tiện ngay trong các sân trường, trụ sở các cơ quan... những nơi điều kiện phòng cháy chữa cháy không đáp ứng được nhu cầu, nhân viên bảo vệ không có nghiệp vụ trông giữ phương tiện khiến những nỗi lo đó ngày càng nhân lên.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo một công ty chuyên tổ chức trông giữ phương tiện trên địa bàn TP cho biết, ngoài việc phải thực hiện các nghĩa vụ về tài chính với Nhà nước, các điểm trông giữ phương tiện phải trang bị đầy đủ các thiết bị về phòng cháy chữa cháy, có phương án đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực... Do đó, nếu cho phép tổ chức trông giữ phương tiện qua đêm trong trụ sở các cơ quan Nhà nước, trong sân trường thì các đơn vị có chức năng nên giao cho những đơn vị chuyên nghiệp, không thể thực hiện theo kiểu “cây nhà lá vườn”, “tăng gia” để cải thiện thu nhập.
Có thể khẳng định, câu chuyện cho phép hay không cho phép trông giữ phương tiện qua đêm tại trụ sở các cơ quan Nhà nước, trong sân trường là vấn đề không thể có ngay đáp án. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tại nhiều cơ sở giáo dục, phớt lờ các quy định, tình trạng “trên bảo dưới không nghe” vẫn diễn ra khá phổ biến. Rõ ràng, đã đến lúc các cơ quan chức năng nên xem xét đưa những hoạt động chui ra ánh sáng để quản lý một cách hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa các bên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần