Cách đây đã mấy chục năm, quan niệm bệnh nhân là khách hàng và xây dựng bệnh viện (toàn bộ hoặc một phần) được cổ xúy. Các bệnh viện giống như một khách sạn, có những phòng cao cấp, nhưng không phải chỉ là nơi nghỉ ngơi mà còn là nơi để được chữa bệnh. Do đó, phòng giá cao lên mấy triệu, khách sạn 5 sao có khi cũng thua.
Các bệnh viện dành những gì tốt nhất cho những chỗ được gọi là “khách sạn bệnh viện”. Đây là chiều hướng đang thương mại hóa bệnh viện. Vấn đề là điều này có đúng không, khi đất xây bệnh viện, nhân lực của bệnh viện là của Nhà nước, cũng là của người dân?
Cùng với việc xây dựng khu vực bệnh viện theo lối khách sạn hóa, nhiều nơi thi nhau mua sắm trang thiết bị kỹ thuật cao, coi đó là niềm tự hào của bệnh viện.
Tuy nhiên, khi đã coi bệnh nhân là khách hàng, thì ngược lại, người bệnh có quyền coi bệnh viện là nơi làm dịch vụ, làm thuê và họ có quyền đòi hỏi phải thỏa mãn nhu cầu có khi vô lý của họ. Đúng là như vậy, bệnh nhân - khách hàng đã lợi dụng chuyện này ra lệnh cho thầy thuốc làm những việc theo yêu cầu sai đạo đức và pháp luật hiện hành. Nếu thầy thuốc không thực hiện yêu cầu vô lý của bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân, ít nhất là bị phản ánh nhiều khi sai sự thật lên ban lãnh đạo hoặc nặng hơn nữa là bị hành hung.
Chung quy họ có tiền, họ có quyền trả giá, có quyền sử dụng đồng tiền của mình chi phối hoạt động của bệnh viện như một khách hàng mua một món đồ mà họ thấy cần mua và chi phối rất lớn vào ngành bán hàng.
Quan điểm xưa nay về người bệnh là người không may mà mắc bệnh, cơ thể có những rối loạn, đau đớn cần khám và điều trị rất ít liên quan đến tiền bạc và tài chính. Lúc đó, bệnh viện, thầy thuốc có nhiệm vụ, chức năng là giúp người bệnh khỏi bệnh, hết rối loạn hay đau đớn. Với việc quan niệm là bệnh nhân như cũ sẽ giảm đi rất nhiều ảnh hưởng của việc thương mại hóa ngành y tế và làm cho hình ảnh người thầy thuốc cùng nhân viên y tế trở lại đẹp đẽ như ngày nào trong mắt của bệnh nhân và người thân của bệnh nhân. Việc này còn làm giảm đi khá nhiều vụ hành hung nhân viên y tế như trong thời gian vừa qua.
Mới đây, người nhà chúng tôi đau ruột thừa phải đi bệnh viện. Ông được các bác sĩ bệnh viện huyện mổ nội soi thành công. Ông đi khám bình thường, nằm giường bệnh chăm sóc bình thường và nhanh chóng được xuất viện với phí tổn không đáng kể, nhất là khi ông có bảo hiểm y tế. Ông ra về trong niềm vui của con cháu, họ hàng. Một người nói: “Bệnh viện huyện mà trình độ mổ cao thế! Các thầy thuốc ở đây thật tốt”.
Mong rằng, ở tất cả các đơn vị y tế, chí ít là ở khu vực công, quan hệ giữa bệnh viện và người bệnh không phải là nơi làm dịch vụ và khách hàng, mà giữa người có y thuật với người cần được chăm sóc, chữa trị. Xin hãy trả lại cho người bệnh hai chữ bệnh nhân, đừng quan niệm họ là khách hàng và đừng thương mại hóa các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện công.