Có nên giao bài tập Tết cho học sinh?

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tết Nguyên đán là dịp nghỉ lễ dài nhất trong năm. Sau thời gian học tập căng thẳng, học sinh mong đợi một kỳ nghỉ lễ đúng nghĩa, được nghỉ ngơi, vui chơi thỏa thích. Vậy thầy cô có nên giao bài tập trong những ngày nghỉ Tết hay để học sinh buông sách vở hoàn toàn?

Người thích thêm, người muốn bớt

Học sinh Hà Nội đang trong những buổi học cuối trước khi bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Bên cạnh niềm háo hức vì sắp đón một kỳ nghỉ được sum vầy bên gia đình hoặc có những chuyến du lịch, về quê đầy ắp kỷ niệm thì nhiều học sinh vẫn canh cánh nỗi lo liên quan đến bài tập Tết.

Học sinh tham gia trải nghiệm gói bánh chưng nhân dịp Tết cổ truyền
Học sinh tham gia trải nghiệm gói bánh chưng nhân dịp Tết cổ truyền

Bài tập Tết thường được giáo viên giao vào các tiết học cuối trước khi bước vào kỳ nghỉ. Các môn học chuyên sâu (Toán- Văn- Ngoại ngữ), lượng bài tập bao giờ cũng nhiều hơn các môn còn lại. Với học sinh cuối cấp, số bài tập thầy cô giao càng dày hơn, kéo theo áp lực làm bài tập cũng lớn hơn.

“Môn nào cô cũng cho mấy phiếu gồm cả dãy bài tập, từ Toán- Văn- Anh đến các môn học khác. Em sợ nhất môn Văn vì đề dài, Tết mà phải làm Văn khiến em thấy rất áp lực”- Nguyễn Thu An, học sinh quận Cầu Giấy chia sẻ.

Còn em Nguyễn Hải Anh, trú tại quận Thanh Xuân cho hay, bài tập Tết quá nhiều khiến em sợ nghỉ Tết bởi thay vì được nghỉ ngơi, ăn Tết, chơi Tết thì em cứ đè nặng về việc làm bài tập Tết. Những năm trước, em thường không hoàn thành hết khối lượng bài tập cô giao.

Vì con chịu nhiều áp lực của bài tập Tết kéo theo nỗi vất vả cho cả bố mẹ khi vừa lo Tết vừa phải nhắc nhở con làm bài tập, thậm chí phải ngồi kè kè ở bên để hướng dẫn con học bài, phụ huynh Nguyễn Thanh Huyền, trú tại quận Hà Đông thẳng thắn: “Theo tôi nên bỏ hẳn bài tập trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán nói riêng và các ngày nghỉ lễ nói chung. Ngày nghỉ lễ là ngày vui chơi, vì vậy đừng bắt con phải làm bài tập”.

Theo chị Huyền, ngày nghỉ, gia đình về quê hoặc đi chơi mà con vẫn phải mang theo phiếu bài tập và ngồi riêng một góc để làm, chị thấy mất vui cho cả con và bố mẹ. Tại sao ngày ai cũng nghỉ, con lại phải làm bài tập? Con thường sẽ cố gắng làm thật nhanh khi cô vừa giao để Tết nghỉ hoặc có thể làm vào đêm hôm trước- khi sát ngày đi học trở lại.

“Tôi biết nhà trường muốn con được ôn luyện, lo lắng con chơi sẽ quên kiến thức nhưng để con có kỳ nghỉ trọn vẹn, tôi đề nghị bỏ cơ chế giao bài tập không chỉ dịp Tết Nguyên đán mà còn ở tất cả các kỳ nghỉ lễ khác trong năm. Việc làm nhanh để xong ngay trước khi bước vào kỳ nghỉ hay làm quần quật trước khi quay trở lại học đều không đạt hiệu quả và không có tác dụng củng cố kiến thức”- chị Huyền đề đạt.

Luôn có chủ trương không giao bài tập Tết, năm trước cô Ngô Thu Trang, giáo viên THCS tại huyện Chương Mỹ không giao bài tập Tết cho học sinh. Năm nay, cô cũng có ý định không giao bài tập vì thực tế mấy ngày Tết, không chỉ học sinh muốn nghỉ ngơi, thư giãn mà chính các thầy cô cũng mong dành hết thời gian bên gia đình. Tuy nhiên, chưa đến ngày nghỉ, cô đã được một vài phụ huynh nhắn tin riêng bày tỏ mong muốn cô giao bài tập Tết để tăng tính chủ động, tích cực của học sinh, tránh việc con sa đà vào mạng xã hội mà quên kiến thức và nhiệm vụ học tập.

Giao bài tập hay không?

Đồng ý với ý kiến cho rằng Tết vẫn cần giao bài tập vì nếu không giao, thời gian sẽ trôi qua rất nhanh và lãng phí, anh Cao Mạnh Hà, trú tại quận Cầu Giấy bày tỏ: “Nghỉ Tết dài nên con có nhiều thời gian rảnh, trống; vì vậy việc bỏ bài tập ra làm hoặc ôn tập kiến thức cũng không phải là vấn đề quá lớn. Không có bài tập, con sẽ dành thời gian cày game, youtube, phim, tiktok… chứ không phải chỉ là trải nghiệm hay sum vầy. Giao bài tập Tết luôn mang lại ý nghĩa tích cực”.

Có nên giao bài tập cho học sinh dịp nghỉ lễ Tết hay không?
Có nên giao bài tập cho học sinh dịp nghỉ lễ Tết hay không? (Ảnh minh họa)

Cũng về vấn đề bài tập Tết, Nguyễn Lan Hương, học sinh THPT tại quận Hoàn Kiếm chia sẻ rằng, trong lớp mỗi bạn có một đặc điểm tính cách khác nhau, bạn thì không muốn học nhưng có bạn rất chăm chỉ. Người có ý thức sẽ rất dễ tìm được các nguồn đề hay và hễ có thời gian rảnh là các bạn lại tìm cách sưu tầm đề và giải bài tập. Nếu nguồn đề không phải tìm và lựa chọn mà được chính cô giáo giao thì nhiều bạn sẽ rất thích thú.

Trước hai quan điểm nên và không nên giao bài tập tết, cô Trần Thị Thùy Linh, giáo viên tại quận Hai Bà Trưng cho rằng, để soạn được bài tập Tết, các thầy cô cũng mất nhiều thời gian và chất xám vì vừa làm đề, vừa làm đáp án. Bài  tập Tết giao cho học sinh chủ yếu nằm trong kiến thức cơ bản, em nào cũng có thể làm được. Việc giao bài tập trong kỳ nghỉ lễ kéo dài giúp học sinh củng cố, không quên và không xao nhãng kiến thức, Ở góc độ nào đó, bài tập Tết có ý nghĩa với học sinh và đa phần các em có ý thức hoàn thành lượng bài tập trước khi đi học trở lại.

“Sau nghỉ Tết, thường thì cô giáo sẽ chấm chữa bài tập ở đề cương. Việc này giúp học sinh được củng cố kiến thức một lần nữa. Chủ trương của nhà trường là học sinh nghỉ Tết vui vẻ, có kỳ nghỉ ý nghĩa nhưng không quên nhiệm vụ học tập. Bài tập Tết là phần khuyến khích làm chứ không phải bắt buộc làm và em nào hoàn thành đầy đủ sẽ được cộng điểm chuyên cần. Trường hợp bất khả kháng hoặc học sinh bận không làm hoặc không hoàn thành thì vẫn có thể châm chước được; bởi vậy học sinh và bố mẹ đừng căng thẳng với bài tập Tết”- cô Linh nhấn mạnh.

Giao bài tập Tết theo nhu cầu, làm bài tập Tết là việc không bắt buộc mà chỉ khuyến khích.... - cách làm linh hoạt, hiệu quả này đã và đang được nhiều trường áp dụng. Bên cạnh đó, nhiều thầy cô cũng có cách giao bài tập Tết sáng tạo, thu hút sự quan tâm, sự hào hứng của học sinh, phụ huynh và xã hội, đó là không giao bài tập mang tính hàn lâm, sách vở mà giao học sinh các hoạt động trải nghiệm thực tế và viết bài thu hoạch.

Theo lịch nghỉ Tết của ngành GD&ĐT Hà Nội, học sinh được nghỉ Tết Nguyên đán Qúy Mão 8 ngày, từ 19/1/2023 đến hết ngày 26/1/2023 (tức từ 28 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão). Ngày mùng 6 Tết, học sinh đến trường khai Xuân, thực hiện các hoạt động trải nghiệm, chuyện trò, chúc Tết, sau đó sẽ bắt đầu ôn tập kiến thức và học chương trình học kỳ 2 năm học 2022- 2023.