Có nên hình sự hóa việc chi trả vượt trần lãi suất?

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ năm 2002, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện tự do hóa lãi suất với VND, nhưng những cuộc chạy đua lãi suất giai đoạn 2008 - 2011 khiến cho NHNN quay trở lại áp trần lãi suất.

Quy định về trần lãi suất đã khiến hầu như toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) áp dụng hình thức chi trả lãi ngoài lãi suất huy động, đồng nghĩa với việc có thể quy kết hàng nghìn cán bộ và nhân viên NH vi phạm pháp luật. Vấn đề đang đặt ra là, việc hình sự hóa giao dịch chi trả lãi ngoài lãi suất huy động (vốn là quan hệ kinh tế dân sự) có hợp lý hay không?

Bài 1: Trần lãi suất, từ luật đến thị trường

Chính sách và quy định pháp luật nếu được ban hành không phù hợp điều kiện thực tế có thể khiến hoạt động của nhiều lĩnh vực rơi vào rủi ro. Thậm chí làm ách tắc hoạt động của nền kinh tế.

Có cũng như không

Đầu năm 2016 (ngày 19/1/2016), NHNN đã ban hành Văn bản số 297/NHNN-TTGSNH về việc chấn chỉnh việc thực hiện lãi suất huy động. Văn bản này nêu rõ, các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài đẩy mạnh huy động vốn gắn với việc triển khai các chương trình khuyến mại, tặng quà, tặng lãi suất, chuyển lãi suất tiền gửi qua lãi suất cho vay hoặc giá dịch vụ hoặc giao dịch khác với cùng khách hàng và người có liên quan của khách hàng. Không nêu cụ thể trong thông tin NHNN đưa ra, nhưng việc áp khuyến mại và tặng thưởng có thể gián tiếp vượt trần lãi suất huy động quy định, tính theo lợi ích thực nhận của người gửi tiền.

NHNN yêu cầu các TCTD không áp dụng các biện pháp kỹ thuật để lách, vượt trần lãi suất huy động, nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn. Cơ quan thanh tra sẽ kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về lãi suất huy động đối với các TCTD trên địa bàn; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Agribank. Ảnh: Trần Việt
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Agribank. Ảnh: Trần Việt
Nhìn lại quá khứ, trong giai đoạn 2000 - 2007, vai trò của lãi suất cơ bản rất mờ nhạt, thậm chí lạc lõng khi diễn biến trái chiều với lãi suất kinh doanh của các NH. Từ năm 2002, NHNN đã thực hiện tự do hóa lãi suất với VND, nhưng những cuộc chạy đua lãi suất giai đoạn 2008 - 2011 khiến cho NHNN quay trở lại áp trần lãi suất. Trên thị trường đã xuất hiện những quan điểm cho rằng việc áp đặt trần lãi suất là một động thái vừa sai lầm về lập luận, vừa không có hiệu quả, thậm chí có tác hại làm bóp méo sự vận hành của thị trường tiền tệ bởi những nguyên lý thị trường đã bị dẹp bỏ trong sự tồn tại của trần lãi suất.

Tại hội nghị toàn ngành NH khu vực phía Bắc vào tháng 9/2011, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã cam kết sẽ bãi bỏ việc áp dụng trần lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngay khi đủ điều kiện. Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam vẫn áp dụng quy định về trần lãi suất huy động. Cụ thể là, mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi bằng VND không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 1%/năm; Đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5%/năm. Với thực tế trên, 80% lượng tiền gửi từ dân cư và tổ chức kinh tế, việc quy định trần lãi suất huy động, dù chỉ với các kỳ hạn dưới 6 tháng, vẫn có tác động lớn đến thị trường tiền gửi.

Trần lãi suất làm méo thị trường

Theo nội dung “báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020” - báo cáo được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII vừa qua đã khẳng định việc “phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là động lực cho phát triển kinh tế. Ở văn kiện này đã đặc biệt chú ý và nhấn mạnh tới việc điều hành thị trường tài chính tiền tệ, đó là “điều hành lãi suất, tỷ giá theo nguyên tắc thị trường” giảm thiểu can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính… Không hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế, dân sự, phát huy vai trò của người dân, DN, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng trong tham gia xây dựng, phản biện và giám sát thực hiện chính sách, pháp luật…”.

Từ những nội dung hướng dẫn trong văn kiện Đại hội Đảng XII nêu trên, xét thực tế vận hành thị trường tài chính tiền tệ giai đoạn vừa qua thấy nổi lên một vấn đề rất đáng xem xét tác động và hậu quả của nó. Thực tế biện pháp hành chính đi ngược lại với đặc trưng của kinh tế thị trường. Nếu thực hiện đúng nguyên tắc thị trường thì các lực lượng tham gia thị trường của NHNN (các NH có đa số vốn của Nhà nước, bản thân NHNN chiếm từ 50 - 70% quy mô vốn điều lệ thị trường tài chính tiền tệ) có thể đưa ra các mức giá sản phẩm để điều chỉnh thị trường theo ý đồ của NHNN. Tiếc rằng biện pháp có tính thị trường này đã không được thực hiện, hoặc nếu có thì cũng không triệt để. Thay vào đó là một biện pháp hành chính cứng nhắc, phi thị trường, đi ngược lại hoàn toàn với định hướng. Và cho dù có biện pháp hành chính nào thì thị trường tự nó vẫn vận hành đúng quy luật và đặc trưng của nó nên hệ quả của biện pháp này chính là việc các NH có tỷ lệ chi ngoài biểu lãi suất huy động cho khách hàng. Tỷ lệ này khác nhau giữa các NH trong mỗi giai đoạn, phản ánh thực tế cạnh tranh huy động vốn gay gắt giữa các TCTD giai đoạn 2010 - 2014.

Thực tế đã cho thấy, dù có trần lãi suất vẫn xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Để thu hút vốn, nhưng lãi suất huy động đã kịch “trần” cho phép, các NH thương mại chuyển qua hình thức khuyến mại với quà tặng lên đến hàng tỷ đồng, cho khách hàng lĩnh lãi trước, tặng tiền khi gửi tiền... Với các chương trình này, lãi suất mà người gửi tiền thực nhận sẽ cao hơn "trần".

Ngược lại, với những người đi vay, lãi suất bị ghìm lại nhưng họ không thể hoặc vô cùng khó khăn để có thể tiếp cận được vốn với mức lãi suất trần quy định. Muốn vay được vốn, các DN thực tế phải chịu mức lãi suất cao hơn và chịu nhiều khoản tốn kém hơn (khoản tốn kém này được ghi vào những khoản hợp lý như tư vấn hồ sơ vay vốn, các loại phí của NH...), hoặc phải xoay sở tìm nguồn vốn ngoài NH với mức lãi suất cao hơn mức trần rất nhiều. Điều này vô hình trung lại kích thích cho tín dụng "đen" phát triển.

Như vậy, rõ ràng, khi không tuân theo quy luật thị trường, thì các nhân tố trong thị trường sẽ tìm cách để luồn lách và do đó, càng làm méo mó thị trường và gây khó khăn cho chính hệ thống NH.

Về vấn đề chạy đua lãi suất, việc đưa ra trần lãi suất cũng chỉ giải quyết được phần ngọn. Và những rủi ro như phân tích ở trên không được giải quyết tận gốc.
(Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần