Còn nhiều vướng mắc
Căn cứ theo báo cáo về tình hình quản lý, sử dụng đất đai của Chính phủ được biết, hiện nay các tổ chức, DN nghiệp, cá nhân nước ngoài và người Việt Nam sống ở nước ngoài đang sở hữu khoảng 46,2 nghìn ha đất, chiếm 0,17% tổng diện tích đất cả nước và diện tích đất của các đối tượng sử dụng ở Việt Nam.
Trong khi đó, Luật Đất đai năm 2013 đã quy định nhiều nội dung được đánh giá là tạo điều kiện thuận lợi về quyền của người Việt ở nước ngoài và DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Theo đó, những đối tượng này sẽ được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất có thu tiền thuê đất hàng năm, trong đó có quyền thế chấp, góp vốn, bán, cho thuê tài sản là đất đai thuộc quyền sở hữu của mình...
“Tuy nhiên, Luật Đất đai chưa dự liệu đối tượng người sử dụng đất là cá nhân nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của DN nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam; quy định về trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất chưa được rõ ràng; Luật cũng loại trừ DN vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế đã tạo ra sự mẫu thuân và phân biệt giữa DN trong nước và DN vốn đầu tư nước ngoài...” – TS Vũ Quang, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phân tích.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, DN có vốn đầu tư nước ngoài chỉ có thể được tiếp cận đất đai theo 3 hình thức: nhận chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất; nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; thuê đất, thuê lại đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
Ngoài ra, DN có vốn đầu tư nước ngoài được giao đất đóng tiền sử dung đất hàng năm chỉ được đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc bán kết hợp cho thuê.Vì vậy, chưa thể tiếp cận được với đất đai phục vụ cho mục đích đầu tư, sản xuất kinh doanh tại thị trường sử dung đất thứ cấp, nên chưa tạo ra hành lang thông thoáng và bình đẳng với các tổ chức kinh tế trong nước.
... vẫn cần cân nhắc
Trước những vướng mắc, bất cập nêu trên, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đang diễn ra tại Hà Nội, các đại biểu đã tiếp tục bàn luận sâu hơn về Luật Đất đai (sửa đổi) trong đó có nội dung quy định về quyền tiếp cận đất đai đối với cá nhân, tổ chức, DN nước ngoài tại Việt Nam và người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài.
Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng Luật Đất đai (sửa đổi) cần phải tháo bỏ những vướng mắc quy định tại Luật Đấy đai năm 2013 để DN có vốn đầu tư nước ngoài có thể lựa chọn phương thức tiếp cận đất đai từ Nhà nước hoặc từ thị trường, tạo ra sự bình đẳng, để DN có vốn nước ngoài hiện thực hóa ý tưởng và mục đích đầu tư vào Việt Nam.
Để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chính sách của Đảng về thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam, cần sửa đổi các quy định trong Luật Đất đai năm 2013 về quyền tiếp cận đất đai của DN có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó cần thay đổi thuật ngữ DN có vốn đầu tư nước ngoài thành Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; Sửa đổi và quy định chi tiết về những trường hợp nhận quyền sử dụng đất, bảo đảm sự phù hợp với pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.
Thạc sĩ Phạm Xuân Thắng, Khoa Luật – Học viện An ninh Nhân dân
Cùng chung ý kiến với các đại biểu, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần phải có những quy định theo hướng mở hơn đối với 2 phương thức tiếp cận đất đai (từ Nhà nước và từ thị trường) đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài, để DN có đất làm mặt bằng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, cần một căn cứ chung cho cả DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài khi xem xét hoạt động giao, cho thuê đất... đi kèm đó là các điều kiện như: giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất...
“DN có vốn đầu tư nước ngoài đã đóng góp rất lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, từ khi “Mở cửa” đến nay. Hiện nay, chúng ta đang trong giai đoạn hội nhập, DN nước ngoài càng có vai trò quan trọng hơn, Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, hạn chế liên quan đến quyền tiếp cận và hình thức sử dụng đất đai của DN nước ngoài. Vì vậy, Luật Đất đai (sửa đổi) cần phải sửa đổi theo hướng phù hợp với điều kiện thực tế, tạo hành lang thông thoáng, sự bình đẳng giữa DN nước ngoài và DN trong nước” – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, TS Nguyễn Văn Đính kiến nghị.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, việc tạo ra sự bình đẳng giữa DN nước ngoài và DN trong nước là cần thiết, nhưng cũng phải có quy định chi tiết, đặc biệt là nội dung liên quan đến việc nhận quyền sử dụng đất, vì nguy cơ sẽ xảy ra cuộc canh tranh không lành mạnh bởi khi đó chủ sử dụng đất có thể nâng giá, thổi giá... thì việc đưa đất đai vào sử dụng sản xuất, kinh doanh sẽ bị chậm trễ và có thể sẽ thêm nhiều dự án treo.