Có nên thay mới cầu Đuống?

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ban Quản lý dự án (QLDA) 6 đề xuất xây dựng cầu Đuống mới với tổng mức đầu tư khoảng 1.793 tỷ đồng. Cầu Đuống mới sẽ đồng bộ quy hoạch giao thông của TP Hà Nội, giảm thiểu ùn tắc, nâng cao năng lực vận tải đường thủy trên hành lang đường thủy số 1.

Quang cảnh cầu Đuống bắc qua sông Hồng. Ảnh: Công Hùng
Xuống cấp nghiêm trọng
Được xây dựng từ năm 1902, cầu Đuống là cây cầu huyết mạch nối quận Long Biên với huyện Gia Lâm (Hà Nội), có chiều dài 225m và đường sắt ở chính giữa. Cầu có bề rộng thông thuyền khoảng 26m. Sau hơn 100 năm đưa vào hoạt động, mặc dù được tu bổ thường xuyên tuy nhiên, lưu lượng phương tiện lưu thông quá lớn cùng với tuổi thọ cao khiến cây cầu xuống cấp nghiêm trọng.

Trước thực tế đó, Ban QLDA 6 vừa trình Bộ GTVT thẩm định và phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống có tổng mức đầu tư khoảng 1.793 tỷ đồng. Theo tờ trình của Ban QLDA 6, dự án sẽ tiến hành đầu tư xây dựng mới cầu đường sắt Đuống về phía thượng lưu cách cầu hiện hữu 16,5m và xây dựng mới cầu đường bộ theo quy hoạch để tách cầu đường bộ ra khỏi đường sắt. Trong đó, khổ thông thuyền cầu đường bộ cấp II (rộng 50m, cao 9,5m), khổ thông thuyền đường sắt cấp II hạn chế tĩnh không (rộng 50m, cao 7m). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.793 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2025.

Nâng cao năng lực vận tải

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Tô Đình Lãng - Phó trưởng Phòng Kỹ thuật an toàn Công ty Đường sắt Hà Hải cho rằng, cầu Đuống có những vị trí xuống cấp như trụ cầu và mặt đường. Trước thực trạng đó, việc xây mới cầu Đuống sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý đường sắt và đường bộ.

Phó Giám đốc Ban QLDA6 Thái Anh Tuấn cho biết, hiện nay, cầu Đuống không còn đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân cũng như việc vận tải hàng hóa bằng đường thủy. Ông Tuấn cho rằng, hạn chế của tuyến đường thủy này là cầu Đuống có tĩnh không 2,8m; bề rộng khoang thông thuyền nhịp giữa 26m, nguy cơ cao xảy ra va chạm giữa tàu và trụ cầu, tiềm ẩn mất an toàn giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt. Do đó, cải tạo điểm ách tắc tại cầu Đuống là yêu cầu cần thiết phục vụ giao thông đường thủy. “Cầu Đuống mới sau khi được xây dựng sẽ giải quyết được nhiều vấn đề như đồng bộ quy hoạch giao thông của TP Hà Nội, giảm thiểu ùn tắc, nâng cao năng lực vận tải đường thủy trên hành lang đường thủy số 1” – ông Thái Anh Tuấn cho biết thêm.

Bên cạnh đó, Phó Phó Giám đốc Ban QLDA6 Thái Anh Tuấn cho rằng, việc xây dựng cầu Đuống mới góp phần từng bước cải thiện mạng lưới giao thông Thủ đô theo định hướng trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, đẩy mạnh thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần