Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có những thứ phải lặng ngắm từ xa

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Những ngày gần đây, những người yêu thiên nhiên, yêu biển và những rạn san hô bàng hoàng khi được thông tin rạn san hô ở Hòn Mun, Nha Trang, trở nên “trắng xóa”, gần như không thể cứu vãn. Muốn rạn san hô phục hồi, có ý kiến cho rằng phải mất đến hàng trăm năm…

San hô là một phần không thể thiếu của biển, nó được ví von như cây của rừng, nơi trú ngụ và sinh sôi của muôn loài.

Ban Quản lý Vịnh Nha Trang cho biết, theo kết quả khảo sát vào ngày 12 và 15/6, không chỉ san hô quanh khu vực Hòn Mun mà ở các đảo khác trong vịnh Nha Trang đều bị hư hại, suy giảm 70 - 80% so với kết quả khảo sát từ năm 2015. Ảnh: Trung Vũ
Ban Quản lý Vịnh Nha Trang cho biết, theo kết quả khảo sát vào ngày 12 và 15/6, không chỉ san hô quanh khu vực Hòn Mun mà ở các đảo khác trong vịnh Nha Trang đều bị hư hại, suy giảm 70 - 80% so với kết quả khảo sát từ năm 2015. Ảnh: Trung Vũ

San hô cũng như cây trên rừng, chúng bị tàn phá chủ yếu do con người. Thiên nhiên hùng vĩ nhưng cũng mỏng manh. Chỉ có điều, nếu bị hư hại do những thiên tai, kiểu biến đổi khí hậu, gió bão…, thiên nhiên sẽ có cách thích nghi và tự chữa lành vết thương. Chỉ khi con người tác động một cách hung bạo vào nó, thiên nhiên khó để phục hồi.

Những thứ chúng ta có thể thấy được: Con người dồn chất bẩn xuống sông ngòi (từ nguồn chất thải bẩn của nhà máy, của các hộ dân…), các dòng sông sẽ chết và rất khó hồi sinh. Những cánh rừng nguyên sinh khi bị phá hại để lấy gỗ, lấy đất canh tác sẽ xác xơ phải mất hàng trăm năm để phục hồi với điều kiện con người đứng yên, không tác động gì thêm đến chúng.

Rạn san hô ở Nha Trang như các nhà khoa học và những người gắn bó với biển đã cảnh báo từ lâu là nó sẽ bị hư hại nặng nếu con người không có biện pháp bảo vệ nó và cách tốt nhất là… đừng tác động vào nó.

Trăm sông đổ về biển. Sông bẩn chứa đầy hóa chất, biển nhận đủ những chất bẩn đấy. Đánh cá, lấy đi của biển tài nguyên, nhưng con người “trả ơn” bằng cách dùng chất độc xyanua, nhằm nhanh chóng có cá. Hành động vô ý thức này khiến sinh vật biển bị tận diệt, trong đó có san hô.

Nhiều nơi mở tour du lịch lặn biển ngắm rạn san hô. Nhiều người không có ý thức đã thả lon nước ngọt xuống biển, rồi “tiện tay” bẻ cành san hô như là một “chiến lợi phẩm”. Mỗi người phá một ít, góp lại cả rạn san hô hư hại và chết. Ở đây, lợi ích kinh tế đang cạnh tranh dữ dội với thiên nhiên.

Chính quyền Nha Trang đang tìm cách phục hồi rạn san hô, nhờ các nhà khoa học tìm biện pháp.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần đóng cửa biển một thời gian dài, như Thái Lan đã từng làm. Điều này có nghĩa cần cấm đánh bắt hải sản, dừng mọi hoạt động du lịch.

Trở lại vấn đề: Có những thứ chúng ta phải ngắm từ xa, thiên nhiên là ví dụ cụ thể nhất. Những năm gần đây, khi cuộc sống khá giả hơn, chúng ta có nhu cầu đi chơi nhiều hơn. Đó là nhu cầu chính đáng.

Tuy nhiên, việc tổ chức tour du lịch lên rừng hay xuống biển, điều quan trọng là làm sao đừng tổn hại đến thiên nhiên. Gần đây có khái niệm “du lịch xanh”. Khái niệm này đang bị nhiều người hiểu lầm là du lịch đến với thiên nhiên; đúng ra là phải hiểu du lịch nhưng phải bảo vệ thiên nhiên, không làm tổn hại thiên nhiên.

Việt Nam là đất nước tươi đẹp vào loại bậc nhất thế giới, với rừng nguyên sinh ngút ngàn ở phía Tây, biển mênh mông ở phía Đông, đất đai phì nhiêu với những dòng sông… Chúng ta hãy cùng giữ gìn, giữ từng ngọn cây trên rừng, từng cây san hô dưới biển… để lại muôn đời cho cháu con. Bởi đó là những tài nguyên không dễ mà có.

Mà giữ gìn thiên nhiên tươi đẹp, tốt nhất là hãy đứng từ xa mà lặng ngắm nó.