Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Chậm đến bao giờ?

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 4 tháng đầu năm 2019 mới có thêm 2 DN được phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH), tổng giá trị cổ phần bán ra là 295 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2016 đến nay, cả nước đã có 116 DN được CPH, tổng giá trị khoảng 442.000 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 206.000 tỷ đồng.

Tổng Công ty May 10 là một trong những DN thành công trong cổ phần hóa. Ảnh: Thanh Hải
Tiến độ CPH, thoái vốn, phê duyệt phương án cơ cấu DN Nhà nước (DNNN) chậm, chưa đạt được theo kế hoạch đã đề ra, gây thất thoát liên tục được đề cập, tuy nhiên đến nay thực trạng này vẫn không có nhiều chuyển biến.
CPH chậm, nguy cơ thất thoát từ định giá, đấu giá
Tính riêng năm 2018, cả nước phải CPH 64 DN nhưng trên thực tế chỉ đạt 17% (với 12 DN hoàn thành); 35 DN đề nghị chuyển sang hoàn thành vào năm 2019, chiếm 55%; 12 DN đề nghị chuyến sang năm 2020, chiếm 23% và 6 DN không báo cáo thời gian dự kiến hoàn thành.
Đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, tiến độ như trên là rất chậm so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn 991/2017/TTg-ĐMDN về việc phê duyệt Danh mục DNNN hoàn thành CPH theo từng năm giai đoạn 2017 - 2020. Hiện số lượng DN còn lại theo tiến độ là 97 DN, chiếm 76% kế hoạch đặt ra.
CPH ở nhiều DN thời gian qua vấp phải một điểm lớn là thất thoát tài sản, biến tài sản Nhà nước thành tư nhân hay một nhóm tư nhân, điển hình là những vụ việc “sếp” mua cổ phần công ty do chính mình lãnh đạo. Điều này, ngày một phổ biến, nhất là khi đi kèm với đất và đất vàng đòi hỏi sớm có các giải pháp đồng bộ, giúp tăng hiệu quả của công tác CPH DNNN … 

Chuyên gia Lưu Bích Hồ
Nguyên nhân được nhiều chuyên gia kinh tế chỉ ra đó là, một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự tích cực, nghiêm túc trong triển khai CPH, thoái vốn. Nguyên nhân khách quan là việc CPH còn có những vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động… nên kéo dài thời gian hơn so với kế hoạch. “Các DN nắm vốn Nhà nước rất lớn, tham gia vào nhiều lĩnh vực, hoạt động cả một quá trình dài với nhiều mối quan hệ liên quan tới pháp lý, đất đai, nợ, quyết toán... sẽ làm cho quy trình CPH bị ảnh hưởng. Do vậy, đây là những vấn đề cần phải mổ xẻ và tìm cách xử lý”- Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh.
Có ý kiến cho rằng có lợi ích nhóm trong CPH gây thất thoát đất đai, biến đất công trở thành đất tư, gây bức xúc trong Nhân dân. Những lùm xùm xung quanh việc CPH Hãng Phim truyện Việt Nam và Cảng Quy Nhơn mới đây là điển hình cho những “góc khuất” trong quá trình CPH DNNN. Những góc khuất đến từ những vấn đề trong quy định tiêu chí lựa chọn cổ đông chiến lược, xác định giá trị tài sản vô hình cho tới xử lý đất đai và xác định quyền sử dụng đất trong cách định giá DN. Qua kiểm toán ở 17 DN trong giai đoạn 2012 - 2016 cũng đã kiến nghị điều chỉnh tăng giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tới hơn 22.300 tỷ đồng.
Mới đây, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) kiến nghị Tổng Công ty Viglacera điều chỉnh sổ kế toán theo kết quả kiểm tra của KTNN, nộp ngân sách số tiền thuế xác định tăng thêm 692.410.495 đồng... Bên cạnh việc xác định không phù hợp giá trị quyền sử dụng 12 triệu m2 đất khi CPH, KTNN còn chỉ ra nhiều tồn tại trong việc quản lý vốn của Viglacera.
Thể chế hóa bằng luật
Về giải pháp trong thời gian tới, nhiều ý kiến chuyên gia kinh tế đề nghị, thứ nhất, Chính phủ thực hiện công khai, minh bạch, khẩn trương xác định giá trị DN. Thứ hai, có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm với các tổ chức, cá nhân cố tình trì hoãn, không thực hiện cũng như các cơ quan tổ chức, cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp trái pháp luật vào quá trình CPH, thoái vốn tại DN.
Bên cạnh việc định giá DN "sát với thị trường" để chính xác hơn thì chìa khóa là giám sát việc đấu giá. “Mất vốn là ở đây. Tôi cho rằng cần tập trung xây dựng chính sách về đấu giá. Phải có cơ chế đảm bảo toàn bộ phần vốn còn lại được bán thông qua quá trình đấu giá công khai mới tạo ra quá trình phát triển lành mạnh” - ông Huỳnh Thế Du (ĐH Fulbright) phân tích.
Giám đốc một công ty quản lý quỹ nước ngoài cho biết, đây cũng là bước cản cho nhà đầu tư nước ngoài. Ai dám chắc không có khả năng đến một ngày nào đó, các cổ đông phải gánh thêm một khoản tiền lớn do giá đất đội lên rất cao.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, hiện nay đang CPH nhiều DN lớn. Trước đây DNNN có quy mô 5.000 tỷ đồng trở lên thì mới thực hiện kiểm toán định giá trước khi CPH, nhưng vài năm qua, DNNN có quy mô 1.800 tỷ đồng là kiểm toán phải vào định giá. Riêng việc này đã mất tới 6 tháng. Rồi việc xử lý, rà soát, sắp xếp đất đai phải rà soát từng mét vuông đất theo Nghị định số 126 của Chính phủ nên DNNN có đất ở vài chục tỉnh, thành mà một tỉnh chậm sắp xếp sẽ làm chậm tiến độ chung” - Phó Thủ tướng nói.