Cổ phần hóa không thể chậm hơn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiến trình tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn từ 2011 - 2013 được Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển DN (Văn phòng Chính phủ) thẳng thắn đánh giá trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN 2014 - 2015 diễn ra ngày 18/2 tại Hà Nội là rất chậm. Kết quả cổ phần hóa (CPH), sắp xếp DN đạt thấp so với yêu cầu phê duyệt.  Hoạt động hiệu quả, tăng tính cạnh tranh

Kinhtedothi - Tiến trình tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn từ 2011 - 2013 được Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển DN (Văn phòng Chính phủ) thẳng thắn đánh giá trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN 2014 - 2015 diễn ra ngày 18/2 tại Hà Nội là rất chậm. Kết quả cổ phần hóa (CPH), sắp xếp DN đạt thấp so với yêu cầu phê duyệt. 

Hoạt động hiệu quả, tăng tính cạnh tranh
Báo cáo tình hình tái cơ cấu DNNN các năm 2011 - 2013 và nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh đến năm 2015 của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN cho thấy: Từ năm 2011 đến hết năm 2013, Nhà nước đã CPH được 99 DN, gồm 12 DN năm 2011, 13 DN năm 2012, 74 DN năm 2013. Trong số này có 19 tổng công ty nhà nước. Việc CPH số DN đã giúp Nhà nước thu về gần 19.000 tỷ đồng từ việc bán cổ phần.

 
Công ty CP Sữa Việt Nam - Vinamilk đã hoạt động hiệu quả hơn sau cổ phần hóa.     Ảnh: Mạnh dũng
Công ty CP Sữa Việt Nam - Vinamilk đã hoạt động hiệu quả hơn sau cổ phần hóa. Ảnh: Mạnh Dũng
Theo đánh giá của Ban, hầu hết các DN sau CPH có tốc độ tăng trưởng khá, hoạt động hiệu quả hơn, tăng tính cạnh tranh một cách rõ rệt. Có 28 DN làm ăn thua lỗ đã được tái cơ cấu trong 3 năm này. Tuy nhiên, phần lớn những DN được tái cơ cấu lâm vào tình trạng phá sản như Tổng Công ty Xây dựng đường thủy, các nhà máy đường, Tổng Công ty Dâu tằm tơ...Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhìn nhận: Công tác sắp xếp, CPH DNNN giai đoạn 2011 - 2013 diễn ra chậm. Chưa thực hiện được việc sắp xếp DNNN theo ngành, lĩnh vực kinh doanh, không phân biệt cấp, cơ quan quản lý.
Trong tháng 2, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về thoái vốn Nhà nước nhằm định hướng cho việc thoái vốn dưới mệnh giá, một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay trong quá trình thực hiện CPH. Phương thức thoái vốn, lựa chọn tổ chức tài chính trung gian; Đẩy mạnh thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước với tổng số gần 22.000 tỷ đồng đã xác định...
Việc CPH các tập đoàn, tổng công ty theo quyết định của Thủ tướng vẫn tồn tại những vấn đề về tài chính phát sinh chưa được giải quyết triệt để khiến công tác này còn nhiều lúng túng, làm kéo dài thời gian. Trong đó, số lượng DN thực hiện sắp xếp, CPH không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối (trên 51%) vốn điều lệ còn cao, đặc biệt là tại các tập đoàn, tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Do đó, sự tham gia của các thành phần kinh tế vào phát triển DN nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung vẫn còn hạn chế, chưa phát huy được hết nguồn lực hiện có. 

Mỗi năm phải CPH 216 DN

Để hoàn thành mục tiêu mà Đề án tái cơ cấu DNNN đã được Thủ tướng phê duyệt, trong thời gian còn lại từ 2014 - 2015, các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành CPH 432 DN, bình quân mỗi năm 216 DN. Đây dường như là nhiệm vụ quá khó khăn đối với các bộ, ngành, địa phương. 

Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển DN Phạm Viết Muôn cho rằng, thực tế CPH vừa qua chậm có nguyên nhân do bối cảnh kinh tế chung, ngoài ra còn có nguyên nhân cơ chế, có nguyên nhân từ chỉ đạo. Song, nguyên nhân quyết định nhất là chỉ đạo thực hiện. Kinh nghiệm thành công của Bộ GTVT và Bộ NN&PTNT đã chỉ rõ thực tế này. Vì vậy, cần có chỉ đạo tập trung, quyết liệt đối với những đơn vị có nhiều DN thuộc diện CPH nhưng kết quả kém. Đặc biệt là: 77 DN ở TP Hồ Chí Minh, 49 DN ở Hà Nội, 15 DN ở Hải Phòng, 7 DN ở Bình Định, 16 DN thuộc Bộ VHTTDL, 8 DN ở Tập đoàn Than Khoáng sản, 11 DN thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam. 7 đơn vị kể trên có tới 183/432 DN CPH của cả nước, chiếm 43%. Việc hoàn thành CPH ở các đơn vị này có tác động quan trọng đến kết quả chung của cả nước. Các đơn vị này cần báo cáo hàng quý với Thủ tướng về kết quả CPH, những vướng mắc cần giải quyết để tháo gỡ kịp thời. 
 
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tiến hành Cổ phần hóa trong năm 2014 - 2015.      Ảnh: Thế Duyệt
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tiến hành Cổ phần hóa trong năm 2014 - 2015. Ảnh: Thế Duyệt
 
Bằng kinh nghiệm CPH thành công tại đơn vị mình, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhận định: "Không có lý do gì để không CPH được các DNNN và vướng mắc đến đâu sẽ trực tiếp gỡ đến đó". Tính đến tháng 11/2014, Bộ GTVT còn 99 DN 100% vốn Nhà nước và 15 tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Ông Thăng cho biết, năm 2014 sẽ CPH thêm 54 DN, trong đó có Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, dự kiến thực hiện trong quý II/2014. Theo lộ trình, trong năm 2014 - 2015 Bộ GTVT sẽ tiến hành CPH  tiếp Tổng Công ty Hàng hải (Vinalines), Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (Vinashin) và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Được biết, Bộ GTVT đang xem xét bán cổ phần tại Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam để có thêm vốn đối ứng xây dựng sân bay Long Thành trị giá 7 tỷ USD. Cũng theo vị Bộ trưởng này, Bộ GTVT chỉ cần giữ lại 3 DN 100 vốn Nhà nước là các tổng công ty đảm bảo an toàn bay, an toàn đường thủy và an toàn hàng hải, ngoài ra đều có thể CPH càng nhanh càng tốt.

Khẳng định tái cơ cấu DNNN với giải pháp CPH sẽ là trọng tâm được làm căn cơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh CPH cũng nhằm đảm bảo tài sản công, vốn Nhà nước được chi đầu tư hiệu quả, đồng thời DN phải hoạt động theo cơ chế kinh tế thị trường. Cùng với quyết tâm CPH, Thủ tướng cũng chỉ đạo việc niêm yết công khai danh sách các công ty phải CPH. Thủ tướng cũng nhấn mạnh năm 2014 phải có bước tiến mới trong tái cơ cấu DNNN, tạo cơ sở cho những thay đổi, nhất là trong lĩnh vực giá. Ngoài giá xăng đã theo cơ chế thị trường không còn bù lỗ, than theo giá xuất khẩu thì quan tâm lớn hiện nay là giá điện. Cụ thể, giá điện phải tiến tới không còn giá bán dưới giá thành, bù lỗ. Thêm vào đó, phải minh bạch hóa giá điện để xem các yếu tố hình thành giá, chi phí khấu hao đã đúng chưa, công khai rõ để xã hội kiểm soát. Những thay đổi này sẽ là yếu tố quan trọng không chỉ trong tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh mà còn hỗ trợ tích cực trong tiến trình đàm phán các hiệp định thương mại đa phương quan trọng như FTA với EU, hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việc đàm phán thành công các hiệp định giúp Việt Nam mở rộng thị trường, gia tăng xuất khẩu, thu hút đầu tư, tạo việc làm và quan trọng hơn là cơ hội để đẩy mạnh những cải cách từ bên trong…

 
"Chỉ có lãnh đạo các DN làm ăn không hiệu quả, lo giữ ghế mới e ngại CPH vì CPH đồng nghĩa với việc quyền quyết định các ghế lãnh đạo thuộc về đại hội đồng cổ đông. Nếu chúng ta đẩy mạnh CPH thì sẽ càng tuyển dụng được nhân tài, thúc đẩy tính hiệu quả của DN". Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng