Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cổ phiếu nào chịu tác động bởi dịch bệnh do virus nCoV?

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu dịch viêm đường hô hấp do virus Corona chủng mới (nCoV) gây ra, dịch bệnh đang có tốc độ lây lan nhanh tại Trung Quốc và một số quốc gia, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI đã có đánh giá những cổ phiếu chịu tác động tích cực và tiêu cực bởi dịch bệnh.

Những mặt hàng và cổ phiếu chịu ảnh hưởng tiêu cực

Theo phân tích của SSI: Sau khi dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng virus Corona mới gây ra, Trung Quốc đã tạm đóng cửa khẩu Lào Cai, Lạng Sơn,… cho đến ngày 8/2. Điều này có đồng nghĩa với việc hạn chế giao thương giữa Trung Quốc và Việt Nam ở một mức độ nhất định. Việt Nam đã thực hiện hạn chế cấp thị thực đối đối với những khách đến từ các khu vực tại Trung Quốc chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona. Xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và hoạt động du lịch sẽ chịu ảnh hưởng bất lợi từ dịch bệnh nêu trên trong thời gian nhất định.

Mặc dù còn quá sớm để đưa ra các đánh giá về diễn biến của thị trường và phỏng đoán lợi nhuận, nhưng SSI vẫn đưa ra nhận định nhanh đối với một số nhóm ngành và các khuyến nghị dựa trên ảnh hưởng do dịch bệnh virus corona gây ra.

Trong đó, các ngành hàng và cổ phiếu chịu tác động xấu đó là: Dệt may và các sản phẩm may mặc. Vì Trung Quốc là đối tác lớn nhất cung cấp nguồn nguyên liệu cho các DN dệt may, với khoảng 50% nguyên liệu được nhập và xuất khẩu trở lại sản phẩm thành phẩm. Do vậy, các cổ phiếu của ngành dệt may sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực.
 Nông sản và thuỷ sản đều chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp.
Cùng giống ngành Dệt may, ngành thuỷ sản, nông sản. Năm 2019, thị trường Trung Quốc chiếm 16,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, trong đó chủ yếu là xuất khẩu tôm chiếm 16,1% và xuất khẩu cá tra chiếm 33%. Nếu dịch bệnh kéo dài thì thiếu thị trường đầu ra, khiến cho các ngành này gặp khó khăn.

Theo phân tích của SSI, ngành rượu, bia cũng có thể chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh viên đường hô hấp cấp do virus corona. Nguyên nhân là do, người dân giảm đến nơi công cộng, giảm tụ tập và chi tiêu bên ngoài, cùng với Nghị định 100 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/1/2020 liên quan đến việc hạn chế tác hại của bia rượu, do vậy, cổ phiếu của ngành này cũng có những ảnh hưởng nhất định.

Dịch vụ sân bay liên quan đến hàng hóa và hành khách sẽ bị ảnh hưởng. Năm 2019, hành khách từ Trung Quốc chiếm khoảng 40% tổng số lượt khách của Việt Nam. Trong ngắn hạn, các hoạt động vận chuyển hàng hóa liên quan đến Trung Quốc cũng sẽ giảm do nhu cầu từ tiêu dùng của Trung Quốc thấp hơn và hoạt động sản xuất bị hạn chế. Tất cả các hãng hàng không có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực từ sự cố Virus, vì nhu cầu đi du lịch có thể giảm.

Giá dầu Brent trên thị trường quốc tế cũng giảm mạnh do lo ngại về nhu cầu dầu mỏ sẽ yếu đi, thị trường Trung Quốc cũng là nơi nhập khẩu dầu mỏ nhiều nhất, đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh virus corona. Cổ phiếu ngành xăng dầu cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực do giá dầu giảm.

Khi dịch bệnh gia tăng, khiến cho hoạt kinh doanh thương mại mua sắm trực tiếp giảm, bởi khách hàng tránh những nơi đông người. Như vậy, cổ phiếu của các DN bán lẻ ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Những cổ phiếu ít bị ảnh hưởng từ dịch bệnh corona

Theo phân tích của SSI, khi nhu cầu tiêu dùng thiết yếu như ăn uống, đồ dùng thường xuyên… không thể thiếu, trong đó việc mua sắm trực tiếp bị hạn chế sẽ hỗ trợ tích cực cho các đơn vị giao nhận hàng hoá trực tuyến. Vì khi người dân tránh đi mua sắm trực tiếp, sẽ chuyển hướng sang tiêu dùng qua kênh bán hàng hiện đại online, nhằm hạn chế lây truyền bệnh, đảm bảo an toàn cho sức khoẻ.

Các ngành ô tô, bất động sản theo SSI cũng không có ảnh hưởng bởi dịch bệnh virus corona. Dự báo ngành ô tô sẽ tăng trưởng tích cực khoảng 10% - 11% về số lượng xe bán ra trong năm 2020.

Hoạt động mua nhà chung cư dựa trên nhu cầu và kế hoạch để sinh sống trong dài hạn, không liên quan đến sự kiện như bệnh dịch; hoạt động kinh doanh bất động sản cũng nhờ thế ổn định.

Đối với hoạt động bất động sản cho thuê đất khu công nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhờ dự báo vốn đầu tư FDI vào Việt Nam tăng mạnh trong năm 2020. Do đó, SSI dự báo doanh nghiệp và cổ phiếu bất động sản ổn định và có tăng trưởng. Bất động sản tăng trưởng, do vậy ngành sắt thép, xi măng cũng ít bị tác động do dịch bệnh.
Do kinh tế vĩ mô nói chung và một số lĩnh vực như du lịch, khách sạn, xuất khẩu nông sản, ...có thể chịu ảnh hưởng từ dịch virus corona, SSI cho rằng ngành ngân hàng cũng sẽ chịu tác động tiêu cực trong ngắn hạn. Tuy nhiên, do triển vọng dài hạn của ngành và định giá hấp dẫn hiện tại của cổ phiếu ngân hàng tại Việt Nam, cũng như kinh tế vĩ mô được dự báo vẫn tăng trưởng tốt trong năm 2020, do đó SSI duy trì quan điểm tích cực đối với cổ phiếu lĩnh vực này.
 Các cổ phiếu ngành tài chính, chứng khoán, ngân hàng được SSI đánh giá ít bị tác động do dịch bệnh.
Cũng giống ngân hàng, tâm lý thị trường sẽ bị ảnh hưởng xấu trong ngắn hạn đối với thị trường chứng khoán. Nhưng nếu dịch bệnh được kiểm soát, thị trường sẽ ngay lập tức phục hồi mạnh mẽ, như đã từng xảy ra trong quá khứ, do đó SSI cho rằng ngành Chứng khoán trong năm 2020 ổn định.

Đối với các công ty bảo hiểm nhân thọ, SSI cũng nhận định ít tác động trong ngắn hạn và tích cực trong dài hạn vì nhu cầu được bảo hiểm sẽ tăng lên khi xuất hiện dịch bệnh. Tuy nhiên, trong trường hợp Chính phủ cần các yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng vào nửa cuối năm 2020, lãi suất thấp có thể ảnh hưởng đến lợi tức đầu tư của các công ty bảo hiểm.
Đối với các công ty bảo hiểm nói chung, dịch virus Corona tại Việt Nam sẽ khiến chi phí bồi thường tăng lên, các chi phí y tế sẽ được bảo hiểm xã hội chi trả. Ngoài ra, việc thanh toán chi phí bồi thường thực tế có thể xảy ra 1-2 tháng sau sự cố, do đó, tác động tiêu cực sẽ không diễn ra ngay đối với kết quả kinh doanh quý 1/2020.

Các công ty dược niêm yết sẽ được hỗ trợ bởi dịch virus Corona, vì nhu cầu tiêu dùng tăng.

Khi giá xăng dầu chịu ảnh hưởng thì nhiệt điện và nước là 2 ngành được hưởng lợi và có tăng trưởng tốt trong năm 2020.

Đối với ngành công nghệ, kể cả khi tăng trưởng kinh tế bị chững lại, chi tiêu cho các dự án IT vẫn là điều cần thiết để duy trì khả năng cạnh tranh của các công ty cũng như giúp cho DN, địa phương cắt giảm chi phí, do đó ngành này vẫn phát triển tốt.