Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cổ phiếu nào hưởng lợi từ xung đột Nga và Ukraine?

Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng loạt lệnh cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây khiến cho căng thẳng leo thang, không chỉ ở Nga và Ukraine mà các nền kinh tế khác cũng chịu “vạ” lây do giá nhiên, nguyên, vật liệu tăng. Thế nhưng, “trong nguy vẫn có cơ” cho các nhà đầu tư chứng khoán.

Những yếu tố tác động lên thị trường

Theo chuyên gia phân tích chứng khoán tại Công ty chứng khoán VNDirect và SSI nhận định: Khi Nga tiến quân vào Ukraine đã đẩy xung đột địa chính trị tại đây lên một mức cao. Sau đó là hàng loạt lệnh cấm của Mỹ cùng các nước Anh, Đức, Canada, Nhật… áp đặt lên Nga như đóng cửa các ngân hàng của Nga tại nước ngoài; đóng cửa đường bay đi và đến Nga.

Vận tải biển được đánh giá là hưởng lợi từ lệnh cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây đối với Nga. Ảnh nguồn HAH.
Vận tải biển được đánh giá là hưởng lợi từ lệnh cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây đối với Nga. Ảnh nguồn HAH.

Theo VNDirect, đối với kinh tế toàn cầu sẽ chịu tác động của các biện pháp trừng phạt đó là giá hàng hóa tăng, đẩy lạm phát tăng cao. Đối với các ngành kinh tế Việt Nam khả năng được hưởng lợi từ việc giá hàng hóa tăng bao gồm dầu khí, thép và phân bón. Ngược lại, căng thẳng leo thang với những biện pháp trừng phạt trên sẽ tác động tiêu cực nhẹ đến các ngành hàng sản xuất tại Việt Nam như: Dầu ăn, sản xuất thức ăn chăn nuôi, du lịch, hàng không.

Còn theo Công ty CP Chứng khoán SSI, gián đoạn chuỗi cung ứng có thể kéo dài đến năm 2023, lâu hơn kỳ vọng ban đầu, do yếu tố là các ca nhiễm Omicron tăng nhanh và khả năng xuất hiện những biến thể mới; chính sách “không Covid” của Trung Quốc.

Đặc biệt, căng thẳng leo thang giữa Nga - Ukraine sẽ gây thêm áp lực lên thương mại toàn cầu. Bởi lượng tàu mới bàn giao trong năm 2022 chỉ giới hạn ở mức 3,1% trọng tải đội tàu hiện tại. Trong khi đó, hàng loạt các hãng tàu của Nga đã bị cấm vận đến châu Âu và Mỹ. Do đó, vận tải biển và logicstics của khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam được hưởng lợi.

Ngành nào hưởng lợi?

Giá dầu Brent được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao do tác động tổng hợp đến từ tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu hiện nay, và tình hình căng thẳng địa chính trị tại Ukraine.

Theo VNDirect, với mặt bằng giá dầu dự báo neo cao trong thời gian tới, nhóm cổ phiếu dầu khí sẽ không chỉ được hưởng lợi trong ngắn hạn, mà triển vọng dài hạn cũng sẽ được củng cố hơn khi giá dầu cao sẽ thúc đẩy các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí, giúp cải thiện nền tảng cơ bản của ngành này.

Theo Hiệp hội Thép Thế giới (WSA), Nga và Ukraine có sản lượng sản xuất 97,4 triệu tấn thép và xuất khẩu khoảng 57 triệu tấn thép vào năm 2021. Đặc biệt, Nga và Ukraine lần lượt là các nhà xuất khẩu thép lớn thứ 2 và thứ 4 sang khu vực EU trong 11 tháng của năm 2021, với khoảng 21% tổng lượng nhập khẩu. Đối với Việt Nam, EU cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba trong năm 2021, chủ yếu là mặt hàng tôn mạ.

Giá thép tăng giúp các cổ phiếu ngành thép tăng tốt trong những ngày đầu tháng 3 năm 2022.
Giá thép tăng giúp các cổ phiếu ngành thép tăng tốt trong những ngày đầu tháng 3 năm 2022.

Do đó, VNDirect cho rằng các nhà xuất khẩu tôn mạ hàng đầu của Việt Nam sẽ có cơ hội tăng sản lượng tiêu thụ tại EU trong thời gian tới, bao gồm Tập đoàn Hoa Sen có mã chứng khoán HSG và Công ty Cổ phần thép Nam Kin NKG.

Cùng với đó, ngành phân bón cũng dự báo có những dấu hiệu tích cực. Cụ thể, Nga chiếm 13% tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón chính trên toàn cầu, và gần 16% xuất khẩu toàn cầu đối với các loại phân bón thành phẩm quan trọng. Do đó, các biện pháp trừng phạt do châu Âu và Mỹ áp đặt lên Nga sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, dẫn đến giá phân bón tăng.

Tại Việt Nam, giá phân bón bị ảnh hưởng bởi giá phân bón thế giới. Do đó, giá phân bón có khả năng tăng và giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp trong bối cảnh giá khí đầu vào tăng cao.

Ngành thủy sản cũng được đánh giá tích cực. Trong đó, ngành cá tra Việt Nam có thể gián tiếp hưởng lợi từ căng thẳng Nga - Ukraine. Các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga có thể gây khó khăn cho xuất khẩu hàng hóa của Nga nói chung, trong đó có việc xuất khẩu cá minh thái, một trong những mặt hàng thay thế chính cho cá tra Việt Nam ở thị trường EU. Hàng năm, EU nhập khẩu 160.000 tấn cá minh thái từ Nga, chiếm 19% tổng nhập khẩu cá minh thái của EU. Trong khi đó, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của ngành cá tra Việt Nam vào năm 2021. Do đó, VNDirect kỳ vọng ngành cá tra Việt Nam có thể tận dụng tình hình này để mở rộng thị phần và tăng kim ngạch xuất khẩu sang EU.

Còn theo SSI nhận định, ngành vận tải container quốc tế và nội địa kỳ vọng tích cực và tiếp tục hưởng lợi cho đến năm 2023. Với 6 tàu mới sẽ được bổ sung vào đội tàu trong giai đoạn 2022 - 2024, Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) đặt kế hoạch đầy tham vọng mở rộng sang thị trường châu Á để tận dụng môi trường kinh doanh thuận lợi.

Ngoài HAH, ngay trong phiên giao dịch chứng khoán ngày 3/3, hàng loạt mã chứng khoán của các doanh nghiệp vận tải và logstics như: GMD VOS, VSC, MHC, VTO, VIP… đã bật tăng hết biên độ, khi Mỹ và các nước phương Tây cấm đường bay, đường vận tải thủy đi và đến Nga.