Cổ phiếu ngân hàng còn đà tăng?

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều cổ phiếu (CP) ngân hàng đã có mức tăng trưởng gấp vài lần kể từ đầu năm đến nay và vượt xa với mức định giá của các công ty chứng khoán. Liệu giá các CP này có đang quá đắt?

Nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh từ đầu năm tới nay. Ảnh: Việt Linh
Tất cả cổ phiếu ngân hàng đều tăng mạnh
Liên tục là trụ đỡ cho đà tăng của thị trường, hàng loạt các CP ngân hàng đều bật tăng mạnh mẽ tính từ đầu năm tới nay. Trong tháng 5, toàn bộ thị trường có 27 ngân hàng niêm yết thì giá của 27 mã CP tương ứng đều tăng... Một số mã CP ngân hàng tăng sốc như BVB của Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Bản Việt tăng tới 47%, lên 20.300 đồng/CP. SSB của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á tăng 84% và duy trì đà tăng liên tiếp dù mới niêm yết trên HOSE từ tháng 3; NVB của Ngân hàng TMCP Quốc dân cũng tăng ấn tượng với mức tăng hơn 80%; BVB (Vietcapital Bank) leo một mạch từ vùng giá 13.800 đồng/CP lên 23.000 đồng/CP hiện tại, tương đương mức tăng ròng 66,7% sau một tháng. Ngoài ra, nhóm có mức tăng cao trong giai đoạn này bao gồm PGB (PGBank), VBB (VietBank), SGB (Saigonbank), lên tới 40 - 50%. Các cổ phiếu của ngân hàng như VPB của VPBank, CTG của VietinBank, MBB của MBBank đã tăng mạnh trong các tháng trước tiếp tục tìm đỉnh cao mới khi tăng tiếp vài chục % trong tháng 5 rực rỡ.

Lý giải về đà tăng “không mệt mỏi” này của nhóm “cổ phiếu vua”, các chuyên gia của SSI Research đã đưa ra 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, kết quả kinh doanh ấn tượng. Theo số liệu cập nhật của SSI Research, lợi nhuận trước thuế quý I/2021 của các ngân hàng niêm yết tăng trưởng mạnh +78,2% so với cùng kỳ, nhờ đẩy nhanh xử lý nợ xấu trong quý IV/2020, hệ số biên lãi ròng (NIM) cải thiện… Thứ hai, văn bản pháp lý mới giúp giãn thời gian trích lập dự phòng nợ tái cơ cấu. Thứ ba là câu chuyện tăng vốn. Khoảng 16 ngân hàng đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ. Cụ thể, vốn điều lệ tại các ngân hàng này theo kế hoạch tăng 82.700 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái, bao gồm việc tăng qua chia tách CP; phát hành riêng lẻ hoặc phát hành quyền mua CP; phát hành CP lựa chọn cho nhân viên (ESOP).

Cổ phiếu ngân hàng đang quá đắt?

Đà tăng giá của CP ngân hàng dường như không tìm thấy điểm dừng khi cả những mã đã tăng nóng vẫn tiếp tục tìm đỉnh mới và những CP ngân hàng nhỏ cũng đua tăng giá với tốc độ... chóng mặt. Theo quan sát, hiện tại đã không còn CP ngân hàng nào dưới 20.000 đồng/CP trong khi mới năm trước, CP ngân hàng có giá dưới mệnh giá còn rất nhiều. Tính bình quân, mức tăng trưởng của 27 mã CP ngành ngân hàng từ đầu năm đến nay cũng là 60,8%, cao gấp 3 lần mức tăng chung của chỉ số VN-Index (17,85%) và gấp đôi mức tăng của chỉ số VN-30 (33,6%) cùng giai đoạn.

Ở quan điểm tích cực, một số chuyên gia cho rằng kết quả kinh doanh tốt, nền tảng hỗ trợ từ Thông tư số 03/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước hứa hẹn lợi nhuận sẽ tiếp tục được củng cố trong quý 2. Thậm chí, dư địa phát triển ngành ở trung hạn vẫn là cơ sở để nhà đầu tư có cái nhìn lạc quan về nhóm CP này. Ngược lại, ý kiến thận trọng cho rằng không nên đầu tư vào CP ngân hàng. Bởi lẽ, dịch bệnh đang bùng phát trở lại, DN bị suy giảm “sức khỏe” trong 3 đợt dịch trước khó lòng trụ được ở làn sóng dịch Covid-19 thứ 4. Khi đó nợ xấu sẽ tăng mạnh, dù mới phải trích lập 30% theo Thông tư 03 nhưng lợi nhuận cũng bị giảm đáng kể.

“Định giá của nhiều ngân hàng cũng không còn hấp dẫn mà trở nên đắt đỏ. P/B (hệ số giá trên giá trị sổ sách mỗi CP) của toàn ngành ngân hàng đang ở mức 2,41 lần, 2 là mức định giá khá cao. "ROE (tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) của các ngân hàng hiện 18,79%, cao hơn trung bình thị trường 15,06% nên CP ngân hàng vẫn còn tiềm năng dù sẽ khó chọn lựa để đạt mức sinh lời tốt như thời gian qua" - Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam Nguyễn Thế Minh nói.
Giá CP ngân hàng đang ở mức cao sau khi vượt xa mức định giá của giới phân tích, công ty chứng khoán. Dù các ngân hàng vẫn làm ăn được, còn dư địa tăng trưởng và con số lợi nhuận vẫn khả quan nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro nợ xấu trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, DN và nền kinh tế gặp khó… Dù vậy, trong ngắn hạn, xu hướng tăng giá của CP ngân hàng là khó tránh khi nhà đầu tư quá hào hứng với nhóm CP tài chính, ngân hàng. Thị trường chứng khoán bùng nổ cũng giúp ngành ngân hàng hưởng lợi.

Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần