Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cổ phiếu nhựa, bao bì: “Khóc ròng” vì triển vọng phát triển thấp

Sông Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường chứng khoán (TTCK) ngày 6/3 tràn ngập sắc đỏ, kéo theo hàng loạt cổ phiếu ngành nhựa, bao bì giảm giá. Nhưng nghịch lý ở chỗ là kể cả khi VN-Index tăng liên tục thì cổ phiếu của nhóm ngành này cũng “lao dốc” thường xuyên…

TTCK lại chứng kiến một phiên giao dịch buồn của nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu ngành nhựa, bao bì. Tâm lý “tiêu cực” dường như đã phủ kín 32 mã cổ phiếu của nhóm ngành nhựa, bao bì. Ngoại trừ cổ phiếu MCP (Công ty Cổ phần In và Bao bì Mỹ Châu), SPP (Công ty Cổ phần Bao bì Nhựa Sài Gòn), DTT (Công ty Cổ phần Kỹ nghệ Đô Thành) và BXH (Công ty Cổ phần Vicem bao bì Hải Phòng) là tăng điểm, số còn lại là giảm và đứng giá.
Cổ phiếu nhựa, bao bì có triển vọng phát triển thấp.
Nhưng thống kê tại 20 phiên giao dịch gần nhất thì ngay cả các “ông lớn” có vốn hóa lớn như: BMP (Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh), AAA (Công ty Cổ phần Nhựa và Môi trường xanh An Phát), NTP (Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong) cũng không tạo ra “sức hút” với nhà đầu tư. Tỷ lệ tăng điểm trong 20 phiên giao dịch gần nhất của “Top 3”: BMP là 50%, AAA là 55%, NTP (20%).
Khi nhóm cổ phiếu đầu ngành còn phải nhận “tín nhiệm” thấp của nhà đầu tư thì nhóm cổ phiếu đứng cuối bảng xếp hạng (vốn hóa thị trường thấp nhất) sẽ thê thảm đến mức nào, hầu như đều giảm giá, đứng giá và “liệt” giao dịch. Nổi bật trong nhóm “microcaps” là: BTG (Công ty Cổ phần Bao bì Tiền Giang - UpCOM), HBD (Công ty Cổ phần Bao bì PP Bình Dương -UpCOM), HPB (Công ty Cổ phần bao bì PP - UpCOM)…
Nhóm ngành nhựa, bao bì là ngành công nghiệp non trẻ và có nhiều cơ hội phát triển ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Trước đây, tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành này rất ấn tượng, đạt mức 16-18%/năm. Để tạo ra con số tăng trưởng ấn tượng như thế, nhóm ngành này đã phát huy tốt các thế mạnh vốn có như: Công nghệ sản xuất ngắn, vốn đầu tư không lớn và thu hồi vốn nhanh, khả năng thâm nhập thị trường tốt, có vị thế với thị trường nội địa, chi phí nhân công rẻ, mẫu mã đa dạng, mạng lưới phân phối rộng. Bên cạnh đó, DN nhóm ngành nhựa, bao bì còn nhận được sự “nâng đỡ” từ Chính phủ, được ưu đãi thuế…
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng trung bình của nhóm ngành nhựa, bao bì đã giảm sút nhiều, vì các nguyên nhân như: Chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, chưa có cơ sở nghiên cứu khoa học kỹ thuật của ngành, chưa có chiến lược phát triển thương hiệu, dây chuyền sản xuất lạc hậu so với thế giới, lực lượng lao động tay nghề còn kém, khả năng đáp ứng các đơn hàng lớn còn hạn chế, tái chế và xử lý rác nhựa còn kém…
VN-Index giảm điểm kéo theo hàng loạt cổ phiếu ngành nhựa, bao bì
Theo Hiệp hội Bao bì Việt Nam (Vinpas), ngành nhựa, bao bì dù có tiềm năng phát triển cao nhưng vẫn tồn tại nhiều thách thức cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài. Khó khăn lớn nhất của ngành này là phải nhập khẩu nguồn nguyên liệu sản xuất và luôn thụ động trước áp lực tăng giá.
Hiện nay, giá nguyên liệu đã tăng gấp 3 lần so với trước, gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất nhựa, bao bì. Nguyên liệu sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng 20 - 30%, chủ yếu là PVC, PET, PP, còn lại hơn 70% nguyên phụ sản xuất liệu phụ thuộc vào nhập khẩu. Do đó, giá thành sản xuất nhựa, bao bì luôn bị biến động theo giá nguyên liệu nhập khẩu từ thế giới và biến động theo tỷ giá ngoại tệ.
Ngoài ra, áp lực “thâu tóm” của các công ty nước ngoài cũng tác động tiêu cực đến nhóm ngành này. Đơn cử như trường hợp của Công ty SCG Thái Lan không chỉ nắm hơn 20% công ty Nhựa Bình Minh mà còn nắm gần 24% cổ phần của Nhựa Tiền Phong. Thông qua công ty con của mình là công ty TC Flexible Packaging, công ty SCG gián tiếp chi ra trên 44 triệu USD để sở hữu 80% cổ phần của Công ty Cổ phần Bao bì nhựa Tín Thành (Batico), thuộc nhóm 5 công ty lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất bao bì…
Chưa hết, cuộc cạnh khốc liệt với sản phẩm nhựa, bao bì nhập khẩu từ Trung Quốc đã làm cho các công ty nhựa, bao bì trong nước tổn hao nhiều nguồn lực. Dù các nhà máy nhựa, bao bì trong nước có lợi thế về chi phí lao động thấp và nhu cầu nội địa cao, nhưng có nhược điểm là công nghệ lạc hậu nên khó cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác như: Nhật Bản, Hàn Quốc.
Nói như vậy để có thể thấy, dư địa phát triển của ngành nhựa, bao bì có lớn thế nào đi nữa, thì cũng không có phần dành cho những “kẻ” năng lực cạnh tranh kém. Việt Nam có hơn 900 nhà máy đóng gói bao bì, trong đó khoảng 70% tập trung tại các tỉnh thành phía Nam với nhiều lĩnh vực bao gồm đóng gói bao bì nhựa, carton/giấy, đóng gói kim loại và các loại khác…
Trở lại với TTCK, cổ phiếu tăng, giảm là điều tất yếu. Biên độ tăng, giảm cũng sẽ tạo ra “lực hấp dẫn” các nhà đầu tư và là cơ sở để thị trường thanh khoản tốt. Cổ phiếu ngành nhựa, bao bì có lịch sử giao dịch ảm đạm có phần lý do: Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ở mức trung bình (ROE) = 11%, Lợi nhuận trên một cổ phiếu trung bình ngành (P/E) = 10.7 lần, không hấp dẫn bằng các ngành khác như: Bất động sản, thép, cao su, dược phẩm, y tế, hóa chất, thương mại, dịch vụ, du lịch…
TTCK là bức tranh phản chiếu thực tế. Cổ phiếu ngành nhựa, bao bì chỉ có thể cải thiện “điểm số” trên bảng điện tử khi có chỗ đứng cả trên thị trường nội địa và xuất khẩu.