Cổ phiếu SHB, Seabank và VIB biến động ra sao sau khi "khuấy đảo" rổ VN30

Hương Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi chính thức gia nhập rổ VN30 hôm 17/7, cổ phiếu Seabank (SSB) và cổ phiếu SHB tăng nhẹ lần lượt 2,9% và 1,03%, trong khi đó, cổ phiếu của VIB lại gần như không có biến động.

Cổ phiếu ngân hàng tiếp sức VN-Index 

Tuần trước, VN-Index đã vượt mốc điểm kỳ vọng 1.150 điểm và giá nhiều cổ phiếu đơn lẻ đã tăng khá lớn.

Sự gia nhập của SHB và SSB vào rổ VN30 khiến các nhà đầu tư kỳ vọng nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ hỗ trợ VN-Index tiếp cận mốc 1.200 điểm
Sự gia nhập của SHB và SSB vào rổ VN30 khiến các nhà đầu tư kỳ vọng nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ hỗ trợ VN-Index tiếp cận mốc 1.200 điểm

Phiên hôm qua 19/7, nhiều cổ phiếu đã bắt đầu có động thái bị bán chốt lời. Rủi ro với những cổ phiếu tăng mạnh đã xuất hiện. Mùa báo cáo bán niên đã bắt đầu và nếu thông tin không đúng kỳ vọng, có thể khiến những cổ phiếu tăng nóng điều chỉnh với biên độ không nhỏ.
Tuy nhiên, thị trường có thể còn dư địa khi nhóm cổ phiếu ngân hàng chưa tăng đáng kể và sẽ hỗ trợ thị trường nếu nhịp điều chỉnh xuất hiện. Nếu nhóm cổ phiếu này tăng 20% thì VN-Index có cơ hội tiếp cận mốc 1.200 điểm. Khi đó, tất cả các nhóm ngành có thể sẽ đều đã tăng.

Sự gia nhập của SSB và SHB vào rổ VN30 khiến các nhà đầu tư kỳ vọng nhiều hơn về khả năng tăng của nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ hỗ trợ thị trường khi các nhịp điều chỉnh xuất hiện. Nhóm cổ phiếu này được cho là vẫn còn nhiều dư địa khi chưa tăng đáng kể so với các nhóm cổ phiếu tăng nóng trong thời gian qua.

SSB "bình chân như vại"

SSB là cổ phiếu có diễn biến ít gây “sốc” nhất trong nhóm ngân hàng, với thị giá chỉ dao động quanh vùng 28.000-30.000 đồng trong nửa đầu năm 2023. Thậm chí, trong năm 2022, cổ phiếu ngân hàng này cũng chỉ dao động ở mốc 28.000-32.000 đồng. 

Mới đây, ngân hàng này cũng công bố thông tin về việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (cổ phiếu thưởng) với tổng tỷ lệ 20,3% để tăng vốn điều lệ từ gần 20.403 tỷ đồng lên 24.537 tỷ đồng. Kế hoạch này nằm trong lộ trình tăng vốn đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của SeABank và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Cụ thể, SeABank phát hành 295,2 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 14,5%) để trả cổ tức năm 2022 và phát hành 118,2 triệu cổ phiếu thưởng (tương đương tỷ lệ 5,8%). Sau khi hoàn thành đợt phát hành cổ phiếu trên, vốn điều lệ của SeABank sẽ tăng hơn 4.134 tỷ đồng, từ gần 20.403 tỷ đồng lên 24.537 tỷ đồng.

SeABank dự kiến sẽ phát hành riêng lẻ thêm tối đa 94,6 triệu cổ phiếu, tương đương 4,6366% lượng cổ phiếu SSB đang lưu hành để chào bán cho 1 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, dự kiến là quỹ Norfund (The Norwegian Investment Fund for developing countries - Quỹ đầu tư Na Uy cho các nước đang phát triển).

Đóng cửa phiên 19/7, giá cổ phiếu của SSB ở mức 29.300 đồng/ cổ phiếu, bằng giá tham chiếu đầu phiên.

Vào rổ VN30, SHB có giữ phong độ mã ngân hàng tăng ấn tượng?

Tính từ đầu năm tới ngày 19/7, cổ phiếu SHB đã tăng 42% - một trong những mã ngành Ngân hàng tăng mạnh nhất trong rổ VN30. Đồng thời cố phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất trong 13 mã ngân hàng trong rổ VN30 – xứng đáng với danh hiệu “vua thanh khoản”.

Tính từ đầu năm tới ngày 19/7, cổ phiếu SHB đã tăng 42%.
Tính từ đầu năm tới ngày 19/7, cổ phiếu SHB đã tăng 42%.

Cổ phiếu SHB đang nhận được tín hiệu tích cực từ các dòng tiền lớn khi tự doanh chứng khoán đã âm thầm mua vào trong hơn 1 tháng trở lại đây. Dòng tiền tổ chức cũng bắt đầu mua trở lại.

Tương tự, khối ngoại cũng liên tục gia tăng vị thế ở cổ phiếu SHB kể từ đầu tháng 6 đến nay, mua ròng với khối lượng đạt 12 triệu. Trong chuỗi mua ròng của khối ngoại, cổ phiếu SHB ghi nhận được mua ròng nhiều tuần liên tiếp, giá trị lớn.

Ngày 6/7, Reuter cũng đưa tin, SHB đang đàm phán bán tới 20% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài với định giá ngân hàng có thể mức 2-2,2 tỷ USD. Một số nhà đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiếp cận SHB trong thương vụ này. Thỏa thuận này dự kiến sẽ được hoàn tất trong năm nay hoặc đầu năm 2024 và cần được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.

Những thông tin tích cực này đã giúp cổ phiếu SHB thăng hoa mạnh mẽ, mang niềm vui lớn cho các nhà đầu tư đang nắm giữ, đóng góp tích cực vào đà tăng điểm VN-index.

Sau khi tăng 3,28% trong phiên 18/7, đóng cửa phiên 19/7, giá cổ phiếu SHB giảm 0,35% theo nhịp giảm của thị trường, ở mức 14,100 đồng. 

VIB tiếp tục đi lên?

Hôm qua, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HoSE: VIB) vừa công bố thông tin giao dịch cổ phiếu liên quan đến cổ đông nội bộ. Theo đó, CTCP Funderra, tổ chức có liên quan đến ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch VIB, đã đăng ký mua 124,7 triệu cổ phiếu. Giao dịch dự kiến được thực hiện trong thời gian 21/7 - 21/8 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.

Liên quan đến VIB, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh – Thành viên HĐQT của VIB cũng đăng ký mua 25 triệu cổ phiếu VIB từ ngày 25/7 đến 23/8 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.

Cổ phiếu VIB có xu hướng tăng điểm trong 2 tuần gần đây, từ mức 19.300 đồng lên 20.550 đồng/cp vào 19/7. Tuy nhiên trong phiên ngày 19/7, cổ phiếu của ngân hàng này ghi nhận phe bán vào mạnh, đồng thời chỉ báo động lượng cũng báo phân kỳ, nhiều khả năng đà tăng của VIB sẽ còn có nhịp điều chỉnh trong các phiên kế tiếp.