Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ quan quản lý bỏ qua vi phạm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Chuồng cọp", ban công đeo "ba lô", những hình ảnh thường thấy tại các khu chung cư cũ được xây dựng từ thế kỷ trước và đến nay, hình ảnh xấu xí này lại xuất hiện tại các khu đô thị mới. Điều đáng nói, tình trạng trên diễn ra ngày càng phổ biến nhưng đến nay các cơ quan quản lý vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để vi phạm.

Nhan nhản các vi phạm

Thời gian gần đây, số lượng các khu chung cư, khu đô thị mới xuất hiện khá nhiều căn hộ đeo "ba lô", quây "chuồng cọp". Đơn cử, tại khu đô thị (KĐT) Trung Hòa - Nhân Chính (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân), tại các khu nhà N6A, N6B, N6C, N6E… tình trạng này xảy ra phổ biến. Quan sát tại đây, chúng tôi nhận thấy hầu hết các "chuồng cọp" đều được làm khá kiên cố. 


Cơ quan quản lý bỏ qua vi phạm - Ảnh 1

Các chung cư đua nhau đeo "ba lô", quây "chuồng cọp".Ảnh chụp tại KĐT mới Trung Hòa-Nhân Chính. Ảnh: Trình Vũ


Phần khung được làm bằng sắt và hàn, gắn cố định vào tường, với đủ loại kích cỡ, chủng loại, màu sắc. Để thuận lợi cho việc sinh hoạt, nhiều "chuồng cọp" đã được người dân quây xung quanh bằng những tấm tôn, tấm nhựa, bìa giấy… Tại các khu chung cư thuộc KĐT Đền Lừ (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai), khu chung cư 7,2ha Vĩnh Phúc (Ba Đình)… cũng diễn ra tình trạng tương tự.

 Thậm chí, tại một số tòa nhà, hộ ở tầng trên và tầng dưới "bắt tay" lao dầm sắt cơi, dựng "chuồng cọp", làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị cũng như chất lượng công trình.

Giải thích cho việc làm vi phạm ấy, một số hộ dân cho biết, hầu hết các căn hộ chỉ có 1 ban công, nhưng diện tích lại quá bé, không đủ chỗ phơi đồ. Những hộ ở tầng cao, khi gió to, quần, áo thường xuyên bay mất… Việc phải làm "chuồng cọp" là biện pháp bất đắc dĩ. Trong khi đó, một số người lại cho rằng, sau khi chuyển đến căn hộ mới, con cái lập gia đình, số người cư trú tăng lên mà diện tích không thay đổi nên biết là vi phạm nhưng vẫn phải cơi nới thêm diện tích để ở.

Buông lỏng quản lý

Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 126/2004/NĐ-CP về xử phạt tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư, trong đó phạt từ 300.000 - 500.000 đồng đối với một trong những hành vi: Đục phá, cải tạo, cơi nới dưới mọi hình thức; tháo dỡ hoặc làm thay đổi phần kết cấu chịu lực, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị sử dụng chung, kiến trúc bên ngoài của nhà chung cư. Tổ chức, cá nhân sẽ bị xử phạt bổ sung và buộc tháo dỡ bộ phận công trình vi phạm, khôi phục lại tình trạng ban đầu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mức phạt trên không đủ sức răn đe, cộng với việc các cơ quan quản lý tòa nhà, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý nên mới để các vi phạm liên tục xảy ra. 

Để tìm hiểu lý do các vi phạm liên tục xảy ra mà không bị xử lý, chúng tôi đã trao đổi với nhiều Tổ trưởng các Tổ quản lý nhà (thuộc Xí nghiệp Quản lý Dịch vụ và Khai thác khu đô thị) và hầu hết đều cho rằng, do người dân lén lút làm nên chỉ đến khi xuất hiện vi phạm mới biết? Một Tổ trưởng (xin được giấu tên) cho biết, những căn hộ cơi nới đa số là những hộ tái định cư, điều kiện kinh tế hạn chế nên khi nhu cầu về nhà ở tăng, không có tiền nên họ làm liều cơi nới để có thêm diện tích. 

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, các căn hộ đeo "ba lô", quây "chuồng cọp" được làm rất kiên cố, nhiều "chuồng cọp" nằm ở tầng 5, tầng 6. Do vậy, nếu cho rằng các chủ hộ tranh thủ thời gian nghỉ trưa, hay ngày nghỉ để thực hiện vi phạm thì không hợp lý. Bởi muốn làm được các công trình này phải tập kết vật liệu, rồi thuê thợ làm mất rất nhiều ngày. Nhưng với cách giải thích trên của các cơ quan quản lý liệu có hợp lý? Rất nhiều người dân đặt câu hỏi, phải chăng, ban quản lý các KĐT này, chính quyền sở cơ sở đã làm ngơ cho vi phạm xảy ra? 

Để làm rõ trách nhiệm của đơn vị quản lý các tòa nhà, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã nhiều lần liên lạc với lãnh đạo Xí nghiệp Quản lý Dịch vụ và Khai thác khu đô thị, tuy nhiên, chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời: "Bận họp, hẹn khi khác".