Đổi mới phong cách phục vụ
Ấn tượng đầu tiên khi đến Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội là bầu không khí trong lành, nhiều cây xanh bao phủ. Dẫn chúng tôi đi thăm khu làm việc và sinh hoạt của cán bộ, học viên, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Phạm Đình Giang chia sẻ: Cơ sở quản lý, chữa bệnh cho đối tượng nam, nữ; cai nghiện dưới hai hình thức tự nguyện và bắt buộc.
Hiện nay, Cơ sở đang quản lý 320 học viên, trong đó có 149 đối tượng bắt buộc và 169 tự nguyện. Các học viên nam đến từ quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, huyện Quốc Oai, Thạch Thất, Thường Tín, Chương Mỹ. Cơ sở tiếp nhận học viên nữ đến từ tất cả các quận, huyện trong TP. Các học viên đăng ký cai nghiện tự nguyện có hộ khẩu Hà Nội được TP hỗ trợ 70% chi phí.
Sau thời gian cai nghiện cắt cơn, các học viên được học nghề và tham gia lao động sản xuất để rèn luyện sức khỏe và có kỹ năng hòa nhập cộng đồng. Ảnh: Thủy Trúc |
Theo chia sẻ của Giám đốc Phạm Đình Giang, trong lộ trình điều trị cai nghiện, quy trình cắt cơn 15 ngày là giai đoạn khó khăn nhất đối với cả cán bộ và học viên. Bởi có đến 80% đối tượng học viên đã sử dụng các loại ma túy tổng hợp, ảnh hưởng nặng về thần kinh.
Người nghiện có nhiều tâm lý bất ổn, hoang tưởng, rối loạn hành vi, thậm chí có đối tượng hủy hoại bản thân, tự tử. Vì thế, Cơ sở phải tăng cường cán bộ quản lý và bảo vệ cùng hỗ trợ giám sát để không xảy ra mất an toàn. Do đối tượng học viên đa dạng, đủ các độ tuổi, tâm lý bất ổn nên để nâng cao chất lượng cai nghiện, Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội đã rà soát xây dựng các quy chế, quy định quản lý mới theo hướng văn minh, chuyên nghiệp, thân thiện.
“Chúng tôi quán triệt quan điểm lấy chất lượng chăm sóc phục vụ người nghiện đặt lên hàng đầu, đổi mới cung cách phục vụ, tổ chức nhiều hoạt động để thu hút người nghiện vào cai tự nguyện. Cơ sở vật chất được cải tạo, chỉnh trang sạch đẹp; các chế độ cho học viên luôn bảo đảm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Đội ngũ cán bộ được bồi dưỡng nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ, tính kỷ luật, đặc biệt là thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ trong thực thi công vụ” - Giám đốc Phạm Đình Giang nhấn mạnh.
Vừa cai nghiện lại được học nghề
Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội có đặc thù quản lý nhiều học viên cai nghiện ma túy là nữ giới đến từ nhiều tỉnh, TP khác nhau. Nhiều học viên nữ có trình độ học vấn thấp, không nghề nghiệp, sức khỏe tinh thần suy giảm, mắc nhiều bệnh xã hội. Vì thế, thời gian đầu khi học viên nữ mới vào, bộ phận tư vấn giáo dục của Cơ sở làm nhiệm vụ tư vấn, nắm bắt tình hình, động viên, chia sẻ để cung cấp thông tin, ổn định tư tưởng, yên tâm sản xuất.
Ngoài ra, công tác giáo dục sau cai được Cơ sở thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của Sở LĐTB&XH Hà Nội. Bao gồm các chuyên đề chính sách pháp luật về phòng chống ma túy, nghiện ma túy, những can thiệp đối với người nghiện ma túy, chăm sóc y tế, giáo dục giá trị sống và những kiến thức, kỹ năng chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng. “Năm nay, chúng tôi tổ chức 2 lớp học nghề Cắt may công nghiệp cho 30 học viên nữ và 20 học viên nam đang cai nghiện tại cơ sở” – ông Giang cho hay.
Để cải thiện tình hình sức khỏe của học viên cai nghiện, Cơ sở đã thực hiện chuyên môn hóa trong sản xuất. Cơ sở liên tục thâm canh, xen canh trồng chè, cây ăn quả, rau xanh; chăn nuôi lợn, gà, ngan để bổ sung thực phẩm vào bữa ăn cho cán bộ, học viên.
Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với các DN, tạo việc làm thường xuyên cho 200 lao động có thu nhập ổn định. Công tác lao động sản xuất mang lại doanh thu cả năm đạt từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng. Qua đó, không chỉ cải thiện đời sống cho cán bộ, học viên mà còn giúp anh chị em hiểu được giá trị của lao động để thay đổi nhận thức, hành vi, nhân cách để yên tâm cai nghiện thành công.
Thực tế hiện nay, số người nghiện ma túy ngày càng trẻ hóa, thường sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy đá gây khó khăn cho công tác điều trị và quản lý. Vấn đề cai nghiện đang được Nhà nước, TP Hà Nội rất quan tâm bằng chính sách như hỗ trợ cho cả hai đối tượng bắt buộc và tự nguyện. TP Hà Nội cũng tổ chức cho cán bộ làm công tác cai nghiện đi học tập những mô hình điển hình để áp dụng vào công việc chuyên môn.
Tuy nhiên, theo ông Giang, để công tác cai nghiện ma túy có hiệu quả, rất cần có những giải pháp đồng bộ, không chỉ ở nơi cai nghiện, mà cả địa phương và gia đình học viên cũng phải tích cực vận động để con em mình tránh xa ma túy.