Có thể áp giá trần với mặt hàng sữa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có thể áp giá trần mặt hàng sữa bột nếu mặt hàng này tiếp tục tăng giá - đó là khẳng...

Kinhtedothi - Có thể áp giá trần mặt hàng sữa bột nếu mặt hàng này tiếp tục tăng giá - đó là khẳng định của ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tại cuộc họp (ngày 4/3) giữa liên Bộ Công Thương - Tài chính về việc triển khai các đoàn kiểm tra giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi tại một số DN.

Những ngày gần đây, trước việc các DN kinh doanh sữa đồng loạt tăng giá bán khi chưa có sự đồng thuận của cơ quan quản lý nhiều ý kiến cho rằng: Hiện tượng các DN đồng loạt tăng giá không loại trừ có sự thỏa thuận về giá bán, hay lạm dụng vị thế trên thị trường để nâng giá bán lẻ.

 
Người tiêu dùng chọn mua sữa tại siêu thị Fivimart.    Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng chọn mua sữa tại siêu thị Fivimart. Ảnh: Hoài Nam
 
 Nhằm lý giải nghi vấn có hay không việc các DN sữa "bắt tay" tăng giá, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, tại cuộc họp liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thống nhất việc thành lập 5 đoàn thanh tra, tiến hành kiểm tra 5 DN sản xuất và kinh doanh sữa gồm: Công ty Mead Johnson, Công ty Nestle Việt Nam, Công ty Sữa Việt Nam Vinamilk, Công ty CP Dinh dưỡng 3A phân phối sản phẩm sữa Abbot. Theo đó, ngay trong tuần này các đoàn công tác sẽ thanh tra để làm rõ cơ cấu giá thành sữa, qua đó đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng trước hiện tượng các DN sản xuất kinh doanh  sữa đồng loạt tăng giá bất hợp lý trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Phương Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, Cục đang xem xét điều tra dấu hiệu DN có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không, nếu phát hiện tình trạng các DN kinh doanh sữa có liên kết với nhau để tăng giá, thao túng thị trường sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định về hàng hóa phải được niêm yết giá và bán theo giá niêm yết của các DN này sản xuất, kinh doanh sữa.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm: Sau khi thanh kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm, lực lượng chức năng sẽ tiến hành xử lý theo đúng quy định. Ngoài ra, nếu giá sữa tiếp tục có diễn biến tăng, các cơ quan chức năng có thể áp dụng biện pháp áp giá trần đối với mặt hàng sữa theo quy định của Luật Giá. Thực tế cho thấy, sau khi các DN kinh doanh sữa bột có những dấu hiệu vi phạm trong việc tăng giá bán, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính vào cuộc làm rõ hành vi vi phạm pháp luật về giá và thuế của các DN kinh doanh, sản xuất sữa. Chính vì vậy, lần thanh tra này đòi hỏi liên Bộ Công Thương - Tài chính thực hiện một cách quyết liệt, khẩn trương, qua đó phát hiện những bằng chứng sai phạm của DN để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần