Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có thể cho dự án sơ xợi 7.000 tỷ đồng phá sản

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong trường hợp Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex) không tìm được đối tác để cùng sản xuất, phương án cho doanh nghiệp này phá sản sẽ được tính đến.rn

Đây là thông tin được Bộ Công thương đưa ra trong dự thảo quyết định Kế hoạch tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giai đoạn 2016-2020. Theo đó nhà máy Xơ sợi Đình Vũ có vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng do PVTex quản lý sẽ thuộc diện doanh nghiệp bị PVN thoái vốn hoàn toàn trong thời gian tới.
 
Cũng theo Bộ Công thương, hiện tại nhà máy trên vẫn chưa được đưa vào vận hành trở lại do việc sắp xếp nguồn vốn lưu động đang rất khó khăn. Mặc dù vậy, ngay cả trong trường hợp nhà máy hoạt động trở lại thì việc kinh doanh vẫn chưa khẳng định được tính khả thi. Chính vì vậy, PVN đã định hướng cho PVTex là nhanh chóng tìm đối tác để hợp tác sản xuất, nếu không thực hiện được sẽ xem xét đến phương án phá sản theo quy định.
Được biết, nhà máy Xơ sợi Đình Vũ hiện là 1 trong 12 dự án sẽ được báo cáo về phương án xử lý lên Bộ Chính trị. Trong một báo cáo mới đây của PVN, trong quãng thời gian từ 1/1/2016 đến 30/6/2016, Tập đoàn đã phải bỏ ra tới 251 tỷ đồng cho nhà máy này, cũng trong quãng thời gian tương đương của năm 2015, con số chi phí rơi vào khoảng 120 tỷ đồng.
Bên cạnh PVTex, PVN cũng sẽ thực hiện thoái toàn bộ vốn tại 7 doanh nghiệp khác, gồm: Công ty cổ phần PVI; Công ty CP Phát triển Đông Dương Xanh; Công ty CP Bất động sản Dầu khí ViệtNam-SSG; Công ty CP Dầu khí đầu tư khai thác Cảng Phước An; Công ty CP Đầu tư tài chính Công đoàn dầu khí Việt Nam (PVFI); Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC); Tổng công ty CP Bảo dưỡng - Sửa chữa công trình dầu khí; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất. Chuyển giao quyền sở hữu Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVCombank) về Ngân hàng Nhà nước.