Ngân hàng “liệu cơm gắp mắm”
Thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã vào cuộc giảm lãi suất khá tích cực. Các ngân hàng thương mại (NHTM) đi đầu là nhóm Big four đã giảm lãi suất rất mạnh trên quy mô hàng chục đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Lãi suất vay thấp của các tổ chức này đã khá tiệm cận lãi suất huy động. Ở nhóm các NHTM lớn, việc ban hành các chương trình hỗ trợ mạnh tay cũng đưa lãi suất cho vay về khoảng từ 6%. Các gói tín dụng chủ yếu để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, không chỉ DN vừa và nhỏ mà cả nhóm các DN lớn, các tập đoàn và cả khách hàng cá nhân, tổng quy mô lên đến hơn 600.000 tỷ đồng, cao gấp hơn 2 lần so với dự tính ban đầu.
VietinBank công bố giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng trong đó xác định rõ một số lĩnh vực thiết yếu và mức độ giảm lãi suất cao nhất có thể như điện, nước sinh hoạt, nước công nghiệp, DN sản xuất vật tư y tế, thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh… Chúng tôi sẽ tiếp tục truyền thông, công khai các chương trình tín dụng, thủ tục, cải cách thủ tục hành chính để các nguồn vốn đến được với người dân, DN. Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ |
Lãi suất cho vay cũng giảm sâu hơn so với dự kiến ban đầu, hiện dao động phổ biến từ 1 - 4,5% (mức giảm sâu nhất thuộc về HDBank). Dù đã giảm lãi suất, sẵn sàng vốn để cung ứng cho nền kinh tế nhưng sức hấp thụ của các DN lại quá yếu khiến dồn ứ lượng tiền lớn tại các ngân hàng. Thanh khoản hệ thống dồi dào là nguyên nhân lãi suất trên thị trường liên ngân hàng liên tục xuống thấp. Lãi suất giao dịch giữa các TCTD trên thị trường liên ngân hàng gần đây giảm 0,2 - 1,5%/năm so với đầu tháng 4.
Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, giống như nhiều nước, để đối phó với đại dịch, chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ cắt giảm các loại lãi suất điều hành nhằm định hướng giảm lãi suất cho vay các DN. Cùng với lạm phát hạ nhiệt dần, lãi suất huy động có thể sẽ giảm thêm 0,3 - 0,5%. Các NHTM có thể thu xếp thêm các gói tín dụng giảm lãi suất cho vay 0,5 - 1% cho các DN. Bên cạnh đó, các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi, phí cho các DN cũng được kéo dài thêm.
Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, ngân hàng không thiếu tiền. Tuy vậy, vấn đề “giải cứu” không chỉ nằm ở phía các NHTM mà còn đến từ những vướng mắc từ phía các DN, Chẳng hạn, DN không đủ điều kiện vay vốn, nợ xấu, sử dụng vốn không mục đích hay phương án đi vay không hiệu quả. Giải pháp mà NHNN đưa ra khác với gói hỗ trợ lãi suất năm 2008 nên sẽ giúp kiểm soát rủi ro vĩ mô về mặt dài hạn. Tuy vậy, trong ngắn hạn, quyền quyết định hỗ trợ hoàn toàn thuộc về các ngân hàng nên mức hỗ trợ sẽ không đồng đều và tùy thuộc vào sự đánh giá của từng ngân hàng.
Doanh nghiệp cần "chia lửa" với ngân hàng
NHNN cũng cho rằng, những DN muốn được ưu đãi vay với lãi suất thấp hơn trong mùa dịch cần chia sẻ với ngành ngân hàng để đánh giá rà soát, tìm hướng đi mới trong lúc khó khăn, cơ cấu lại chính mình, đánh giá các phương án có hiệu quả để đặt vấn đề với ngân hàng. Một lãnh đạo NHNN cho biết: “NHNN sẽ xem xét nới room tín dụng cho từng ngân hàng, ưu tiên các ngân hàng đã đạt Basel II, với ước tính từ 2 - 3% trong quý III - thời điểm bắt đầu mùa cao điểm cho vay của các ngân hàng”.
Thực tế phải đối diện với khó khăn do dịch Covid-19 nhưng nhiều khách hàng lại thực hiện đầu tư rất mạnh, vì nhìn thấy cơ hội từ việc rút ngắn giai đoạn đầu tư khi chi phí rẻ như hiện nay. Chủ tịch HÐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết, mặc dù nhiều khách hàng của ngân hàng cũng chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng họ đều có hướng phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tại Vietcombank, khoản chia sẻ lãi suất với DN sẽ vào khoảng 2.240 tỷ đồng, dự kiến đến tháng 6 sẽ dùng hết khoảng 70% số này và đến 30/9 việc chia sẻ hỗ trợ lãi suất sẽ hết. "Chúng tôi đã giảm lãi suất trên toàn hệ thống và giảm đồng loạt, rất nhiều DN có phương án kinh doanh tốt đủ điều kiện được vay vốn. Các ngân hàng chỉ có thể tăng số hóa để phục vụ khách hàng nhanh hơn chứ không thể giảm chuẩn tín dụng được trong môi trường này vì sẽ để lại nhiều rủi ro sau này" - ông Thành cho biết.
Hiện một số ngân hàng như VPBank, HDBank và TPBank vẫn giữ mức tăng trưởng tín dụng cao do một số nguyên nhân. Với HDBank, mức tăng trưởng tín dụng khá cao là nhờ các thỏa thuận cho vay với một số khách hàng DN đã được ký trước đó vào cuối năm 2019. Trong khi VPBank và TPBank tích cực trong việc mua trái phiếu DN. Một số chuyên gia cho rằng, trong quý II trở đi, khi dịch được khống chế, các thị trường lớn phục hồi nhu cầu, DN cải tổ lại toàn bộ hệ thống quản trị để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, lúc đó cầu về vốn sẽ cải thiện.