Cơ sở chưa được cấp phép hoạt động
Theo kết quả điều tra ban đầu của Công an quận Hoàng Mai, 19 giờ 25 ngày 16/1/2022, anh P.T.Đ (SN 1979, ở TP Tân An, tỉnh Long An) đến Công an phường Tương Mai trình báo sự việc: Khoảng 18 giờ ngày 14/1/2022, anh Đ. nhận được tin báo con gái là P.T.D.H (SN 2000, tạm trú tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang được cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Anh Đ. được nghe nói lại sự việc con gái đi làm phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi tại cơ sở không rõ địa chỉ, dẫn đến việc bị hôn mê phải cấp cứu.
Sau khi tiếp nhận tin báo, cơ quan chức năng xác định các đối tượng có mặt tại hiện trường xảy ra sự việc tại 18C, Tổ 20, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội có 6 người là Nguyễn Sỹ Giang (SN 1995, trú ở huyện Yên Thành, Nghệ An); Lê Ngọc Anh (SN 1990, trú ở quận Long Biên, Hà Nội; là bác sĩ gây mê thuộc một bệnh viện ở Hà Nội); Nguyễn Thanh Bình (SN 1991, trú ở huyện Đan Phượng, Hà Nội); Nguyễn Thiện Lễ (SN 1999, quê Bắc Giang) và Trần Thế Anh (SN 1991, trú ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Hoàng Minh Phong (SN 1994, trú ở quận Ba Đình, Hà Nội). Cơ sở trên hoạt động khi chưa được cấp phép.
Căn cứ tài liệu điều tra xác định, qua quan hệ xã hội, Giang quen biết Hoàng Minh Phong, rồi theo Phong học nghề phẫu thuật thẩm mỹ. Khoảng tháng 2/2021 Phong rủ Giang về làm tại thẩm mỹ viện của Phong tại 18C, Tổ 20, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai. Bản thân Giang biết Phong không có giấy phép hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ nhưng vẫn đồng ý làm cùng Phong. Cơ sở này không treo biển hiệu liên quan phẫu thuật thẩm mỹ.
Ngày 14/1/2022, sau nhiều lần chuyển tiền đặt cọc lên tới 35 triệu đồng, chị P.T.D.H đã đến cơ sở thẩm mỹ này và được đưa lên tầng 6 của ngôi nhà để làm thủ tục phẫu thuật.
Đáng chú ý, quá trình phẫu thuật chị H. được Ngọc Anh thực hiện gây mê bằng thuốc Midazolam 5mg/ml do Ngọc Anh mang đến. Sau đó, Giang tiến hành tiêm thuốc tê tại vị trí mổ (về sau Giang khai không biết cụ thể tên thuốc tê, chỉ biết thuốc có sẵn tại cơ sở thẩm mỹ của Phong). Sau đó, Giang tiến hành mổ đầu mũi của chị H.
Chừng 20 phút, Ngọc Anh nói chị H. có dấu hiệu sức khỏe không tốt nên bảo Giang dừng phẫu thuật. Ngọc Anh tiến hành sơ cứu và cho chị H thở oxy, hô hấp nhưng lúc này cô gái trẻ đã rơi vào tình trạng hôn mê.
Chị H. được khâu định hình lại mũi rồi được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Sau quá trình điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai không có tiến triển, ngày 25/2, gia đình đã đưa H. về Bệnh viện Đa khoa Long An để tiếp tục điều trị. Sau hơn 2 tháng hôn mê, nguy kịch, ngày 16/3, chị H. đã qua đời.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Minh - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện E cho biết: Theo thông tin được nêu trên thì thuốc sử dụng gây mê cho bệnh nhân là Midazolam. Đây là thuốc an thần khởi mê có tác dụng trấn an và giúp bệnh nhân ngủ trước khi thực hiện cuộc gây mê. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ được sử dụng tại các bệnh viện (Khoa Gây mê hồi sức).
Đối với phẫu thuật gây mê được tiến hành tại bệnh viện nơi được cấp phép và cơ sở có danh mục phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ mũi, người thực hiện phải là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ - tạo hình. Trường hợp nêu trên thực hiện tại cơ sở không phép, người phẫu thuật không có chứng chỉ hành nghề và thực hiện quy trình tiền mê, an thần là chưa đúng quy định.
Có thể xử lý nặng
Xác minh tại Bệnh viện Bạch Mai, Công an quận Hoàng Mai cho biết, bệnh nhân P.T.D.H được chuẩn đoán hôn mê chưa rõ nguyên nhân sau phẫu thuật nâng mũi. Ngoài ra, khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra xác định tầng 6 bị xáo trộn; các đồ vật, dụng cụ làm phẫu thuật đã bị đối tượng mang đi nơi khác cất giấu. Qua tìm hiểu của phóng viên, một hộ dân sinh sống gần cơ sở thẩm mỹ cho hay: "Ngôi nhà được cho thuê làm thẩm mỹ viện, không treo biển nhưng rất đông khách. Cơ sở này đã hoạt động được khoảng 7 - 8 năm nay. Khách đến chủ yếu làm mũi và từ các tỉnh đổ về".
Liên quan đến sự việc này, luật sư Nguyễn Hà Phương - Công ty Luật TNHH DNP, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, nếu với thông tin ban đầu là cơ sở không đăng ký hành nghề, không có hoặc không đủ điều kiện hành nghề thì rất có thể khả năng cao hơn, các cá nhân trực tiếp phẫu thuật bị xem xét khởi tố bị can theo trường hợp “Vô ý làm chết người” theo Điều 129 Bộ luật Hình sự.
Theo đó, với tội “Vô ý làm chết người” quy định tại Điều 129 Bộ luật Hình sự, người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 1 - 5 năm; phạm tội làm chết 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 5 - 12 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Về các cá nhân, tổ chức liên quan, luật sư Nguyễn Hà Phương cho rằng, với những thông tin ban đầu nếu có căn cứ khẳng định rằng người cho thuê, mượn địa điểm, người trực tiếp phẫu thuật và những người phụ giúp ca phẫu thuật nếu có dấu hiệu thực hiện các công việc một cách có tổ chức, có trao đổi bàn bạc, tính toán, biết rõ mục đích công việc phẫu thuật lấy tiền, biết rõ không có giấy phép, không đủ điều kiện phẫu thuật hoặc phụ giúp đều có thể bị điều tra với vai trò đồng phạm và cùng bị xử lý.