Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác lựa chọn sách giáo khoa (SGK). Khác với năm trước là từng nhà trường được quyền quyết định danh mục SGK sử dụng trong cơ sở giáo dục của mình; từ năm 2021, quyết định lựa chọn sách thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh.
Dù thay đổi thẩm quyền quyết định nhưng từng nhà trường, giáo viên vẫn phát huy được vai trò, chính kiến trong hoạt động lựa chọn SGK. Thông tư 25 Quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông và văn bản 873 đã hướng dẫn cụ thể nhiệm vụ của giáo viên, cơ sở giáo dục phổ thông trong quy trình lựa chọn sách.
Nhiều nhà trường, phụ huynh băn khoăn về việc lớp 1 học SGK này, lên lớp 2 học SGK khác liệu có ảnh hưởng? Ảnh: Xuân Trường. |
Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã đã phê duyệt danh mục SGK lớp 2 với 32 đầu sách của 9 môn học/hoạt động giáo dục, thuộc 3 bộ SGK do các đơn vị xuất bản biên soạn. Căn cứ trên danh mục phê duyệt này, các địa phương tiến hành lựa chọn SGK.
Riêng SGK lớp 1, năm học 2021 - 2022, các đơn vị xuất bản vẫn tái bản đầy đủ 5 bộ SGK đã được Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt để địa phương lựa chọn sử dụng.
Trước băn khoăn của UBND tỉnh Tuyên Quang về việc có thể lựa chọn danh mục SGK khác danh mục nhà trường đã sử dụng trong năm học trước, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT Thái Văn Tài đã phản hồi: Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có thay đổi căn bản là dạy học theo chương trình chứ không phải theo SGK như trước đây.
Chương trình mới đặt ra yêu cầu cần đạt cho từng lớp học. Các lớp trên sẽ học theo ngữ liệu hoàn toàn mới và tiếp cận một chuẩn đầu ra - yêu cầu cần đạt mới.
“Theo nguyên lý quản lý chương trình về mặt chuyên môn thì lớp 1 học sinh học SGK này, lên lớp 2 học SGK khác, vẫn không ảnh hưởng gì. Bản thân giáo viên khi dạy SGK mà nhà trường lựa chọn, vẫn có quyền sử dụng SGK của nhiều bộ khác để xây dựng thành kế hoạch bài giảng riêng, phù hợp với học sinh” - Vụ trưởng Thái Văn Tài cho biết.