Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định, Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản là một chính sách đồng bộ với nhiều ưu đãi thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với bà con ngư dân. Đồng thời góp phần quan trọng vào tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng công nghiệp, hiện đại, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, tham gia bảo vệ chủ quyền trên biển. Tính đến ngày 31/5/2017, số tàu cá đã và đang đóng mới, nâng cấp là 967 tàu, trong đó 666 tàu đã hạ thủy và đi vào hoạt động. Trong số tàu đi vào hoạt động có 624 tàu khai thác hải sản và 42 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ khai thác hải sản xa bờ. Đa số các tàu hoạt động năng suất, hiệu quả, nhiều tàu đã trả nợ vốn và lãi cho ngân hàng.Tuy nhiên, vừa qua có 18 tàu vỏ thép của ngư dân tỉnh Bình Định sau khi bàn giao cho chủ tàu đã bị hỏng, tập trung tại 2 cơ sở đóng tàu là Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương gây thiệt hại cho chủ tàu và ngư dân, tạo bức xúc trong dư luận.Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đề nghị các tổ chức và cá nhân liên quan thực hiện nghiêm các quy định của Nghị định 67 về đóng mới, nâng cấp tàu cá. Trong đó, đối với vỏ tàu, các vật liệu như thép, gỗ, composite phải đảm bảo thỏa mãn yêu cầu theo quy phạm đóng tàu hiện hành. Đối với máy tàu, tàu đóng mới phải là máy thủy mới 100%, nguyên chiếc, có tài liệu hướng dẫn sử dụng, bảo hành chính hãng. Đối với cơ sở đóng tàu phải được UBND cấp tỉnh kiểm tra, đánh giá công nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu cá trên địa bàn tỉnh và được Bộ NN&PTNT tổng hợp, công bố.Đặc biệt, Thứ trưởng Vũ Văn Tám lưu ý, việc đóng mới tàu cá vỏ thép, vỏ composite phải trên cơ sở 21 mẫu tàu cá, tàu composite đã được Bộ NN&PTNT ban hành. Đối với việc kiểm tra, giám sát, ngoài việc giám sát của đăng kiểm tàu cá, KCS của nhà máy, chủ tàu có thể thuê tư vấn độc lập để giám sát. Chi phí thuê tư vấn sẽ được tính vào tổng giá thành đóng tàu. “Cơ quan quản lý Nhà nước phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện quản lý đối với công tác đăng kiểm, kiểm tra điều kiện cơ sở đóng mới, nâng cấp tàu cá” – ông Tám nhấn mạnh.Đối với 18 tàu vỏ thép của ngư dân tỉnh Bình Định sau khi bàn giao cho chủ tàu đã bị hỏng, Bộ NN&PTNT đề nghị tạm đình chỉ, không có nhận thêm đóng tàu mới của Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương để khắc phục sự cố. Đồng thời chấn chỉnh, không để xảy ra lỗi tương tự đối với các tàu đang thi công. Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu cơ sở đóng tàu phải có trách nhiệm khắc phục triệt để các lỗi và trách nhiệm vật chất theo hợp đồng với chủ tàu, kể cả bồi hoàn thiệt hại về thu nhập cho chủ tàu do tàu không ra khơi khai thác được. Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét khoanh nợ, giãn nợ cho ngư dân.