Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có thể truy cứu hình sự chủ đầu tư chiếm đoạt quỹ bảo trì

Đức Dinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Chúng tôi là cộng đồng cư dân mua nhà tại chung cư Star city (81 Lê Văn Lương, Hà Nội). Sau 4 năm sinh sống ổn định, phía chủ đầu tư có dấu hiệu chây ì, chiếm đoạt quỹ bảo trì 2% (xấp xỉ 30 tỷ đồng) của cư dân đóng góp. Vậy trường hợp này, cư dân có thể tiến hành làm đơn khởi tố hình sự lên cơ quan công an không?" - Đinh Thị Cẩm Vân - Thành viên Ban Quản trị chung cư Star City

Chị Cẩm Vân thân mến!

Để tư vấn cụ thể cho chị nói riêng và cộng đồng người mua nhà tại dự án Star City, báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW xoay quanh góc độ pháp lý.

Thực tế, căn cứ các quy định hiện hành, việc khởi tố chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư là hoàn toàn có cơ sở. Bởi theo Luật Nhà ở, chủ đầu tư phải bàn giao khoản phí bảo trì 2% cho cư dân ngay khi Ban Quản trị tòa nhà đó được thành lập trong thời hạn 7 ngày, nếu không bàn giao sẽ thực hiện các thủ tục cưỡng chế. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, chưa có chủ đầu tư nào bị cưỡng chế để bàn giao phí bảo trì do việc cưỡng chế không hề đơn giản.

Ở góc độ dân sự, người mua nhà có quyền khởi kiện dân sự yêu cầu chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì chung cư cùng với số tiền lãi tương ứng với việc chậm trả của chủ đầu tư theo quy định của Bộ luật Dân sự và khoản 2, Điều 43, Thông tư 02 về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư. Trường hợp chủ đầu tư cố tình chiếm đoạt phí bảo trì, có dấu hiệu cấu thành tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” hoặc tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, công đồng cư dân, Ban Quản trị có quyền tố cáo hành vi này đến cơ quan công an để được xem xét, giải quyết hình sự, không cần chờ sự can thiệp của cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng.