Có thể tử vong nếu tự ý truyền dịch

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dưới thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện nay, cơ thể dễ mệt mỏi, uể oải khiến nhiều người nghĩ ngay tới việc truyền dịch (muối biển) để lấy lại sức khỏe.

Theo nhiều chuyên gia y tế, hiện có tình trạng người dân cứ cảm thấy có vấn đề về sức khỏe như mệt mỏi, ốm sốt đều nghĩ tới chuyện truyền dịch. Trường hợp một cô gái trẻ ở TP Hồ Chí Minh tử vong khi tự ý truyền dịch đã gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng người dân lạm dụng truyền dịch khi có vấn đề về sức khỏe.

Tiềm ẩn nhiều biến chứng khó lường

Chị Nguyễn Thị Ngoãn (Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, thời gian trước chị phải mổ ruột thừa, sau mổ cảm thấy cơ thể mệt mỏi, thi thoảng chóng mặt và hoa mắt, nghe mọi người mách truyền nước sẽ khỏe lại ngay. Vậy là, chị Ngoãn liền đến tiệm thuốc tây gần chỗ trọ nhờ chủ hiệu thuốc truyền nước biển. Tuy nhiên theo lời chị Ngoãn, truyền chưa hết một chai, chị đã thấy tim đập nhanh hơn, chân tay lạnh, choáng váng, co giật, cơ thể sốt cao đột ngột đến 40oC. Chủ tiệm vội rút dây truyền đưa chị đến bệnh viện cấp cứu, bác sỹ kết luận chị Ngoãn bị sốc phản vệ trong quá trình truyền nước.
Việc truyền dịch phải được chính thầy thuốc chỉ định và theo dõi. Ảnh: Tấn Thạnh
Việc truyền dịch phải được chính thầy thuốc chỉ định và theo dõi. Ảnh: Tấn Thạnh
Cảnh báo về tình trạng này, bác sỹ Nguyễn Trung Cấp – Phụ trách khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết: Một số trường hợp người dân đi làm nặng nhọc về thấy mệt và tự ý truyền dịch để cơ thể khỏe hơn. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của bác sỹ Cấp, hành động tự ý truyền dịch tiềm ẩn nhiều biến chứng khó lường. “Truyền dịch bừa bãi thiếu cân nhắc, người dân còn phải đối mặt với nguy cơ rối loại chuyển hóa do đưa một lượng lớn nước, chất điện giải, chất dinh dưỡng vào cơ thể, dễ gây ra các hiện tượng phù tim, thận”, bác sỹ Cấp cảnh báo.

Còn theo bác sỹ Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm Miễn dịch dị ứng,  Bệnh viện Bạch Mai, đã có trường hợp người truyền dịch bị sốc phản vệ do tốc độ truyền quá đột ngột hoặc có cơ địa dị ứng với thành phần trong dịch. Triệu chứng sốc phản vệ dễ nhận thấy là người bệnh sẽ có cảm giác rét run, sắc mặt tím nhợt, đổ nhiều mô hôi, khó thở… Những trường hợp này nếu không được xử lý kịp thời nguy cơ tử vong rất cao.

Bác sỹ Hoàng Công Đắc - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Medlatec cũng cho rằng hiện tượng sốc và tử vong do truyền dịch không phải hiếm. Nguyên nhân phụ thuộc vào việc người bệnh truyền chất gì vào cơ thể, có kèm thuốc hay không. Chẳng hạn, trong trường hợp vừa tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ chỉ định truyền đạm ngay, bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao, thậm chí tức thì.

Chỉ truyền dịch khi có chỉ định

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, truyền dịch chỉ được chỉ định trong trường hợp mất nước, thiếu nước do sốt quá cao, tiêu chảy, mà người bệnh không thể ăn, uống. Những người bệnh nhẹ không nên truyền dịch, thay vào đó, nên bù nước bằng đường uống sẽ hiệu quả hơn.

Tại các bệnh viện, việc truyền dịch hay không phải do chỉ định của bác sĩ. Sau khi bác sĩ đo huyết áp, nhịp tim, phổi, tìm hiểu cơ địa, thậm chí có trường hợp phải làm xét nghiệm máu… rồi mới truyền dịch. Trong quá trình truyền dịch luôn phải có nhân viên y tế theo dõi.

Bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, dịch truyền chỉ phát huy tác dụng khi đúng chỉ định. Ví dụ với bệnh nhân viêm phổi, thường không được truyền dịch. Thậm chí, khi bị mất nước, bác sỹ vẫn khuyên uống nước hơn là truyền dịch. Trường hợp bắt buộc phải truyền, bác sỹ cần tính toán kỹ lượng truyền chứ không thể truyền bừa bãi. Bác sỹ Dũng khuyến cáo, nếu bắt buộc phải truyền dịch thì người bệnh nên thực hiện tại cơ sở y tế có đầy đủ điều kiện cấp cứu sốc phản vệ. Nhân viên y tế phải có chuyên môn xử trí sốc phản vệ, có kinh nghiệm lâu năm, kèm theo đó là phương tiện, dụng cụ cấp cứu tại chỗ. Bác sỹ cũng phải rất thận trọng khi chỉ định truyền dịch để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm xảy ra với người bệnh.