Cố tình làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm: Sẽ bị xử lý hình sự

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều trường hợp trở về từ vùng dịch, tiếp xúc với người mắc Covid-19 nhưng “lách” khai báo, “né” cách ly, thậm chí có những trường hợp được yêu cầu cách ly y tế nhưng trốn tránh, không thực hiện. Các chuyên gia cho rằng, đây được coi là hiểm họa có thể khiến dịch lây lan trong cộng đồng, cần thiết phải xử lý hình sự hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Hành khách làm thủ tục khai báo y tế trước khi nhập cảnh vào Việt Nam tại cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Trần Giang
Công khai danh tính, xử phạt mức cao nhất
Vụ việc chị Vũ Thu Hà (25 tuổi, phường Sài Đồng, quận Long Biên) ngày 25/3 trốn khỏi khu vực cách ly lên sân bay Nội Bài để bay đi Anh khi chỉ còn 2 ngày nữa là hết thời hạn theo quy định khiến nhiều người lo lắng khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà cho biết, lực lượng chức năng ngay khi phát hiện và đưa chị này quay về, tiếp tục thực hiện các biện pháp cách ly. Căn cứ điểm b, khoản 2, điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, UBND quận Long Biên đã ra quyết định xử phạt hành chính 10 triệu đồng đối với chị Vũ Thu Hà vì trốn cách ly phòng, chống dịch. Đây là mức phạt cao nhất với hành vi này do có yếu tố tăng nặng.
Một trường hợp khác trốn tránh cách ly là bệnh nhân thứ 100 (55 tuổi, trú tại phường 1, quận 8, TP Hồ Chí Minh). Mặc dù được hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, tuy nhiên, từ ngày 4 – 17/3, người này vẫn đi lễ 5 lần/ngày tại Thánh đường Hồi giáo Jamiul Anwar - số 157B/9 Dương Bá Trạc, phường 1. Liên quan đến bệnh nhân này, chính quyền đã khoanh vùng các trường hợp nam giới từ 14 tuổi trở lên đến thánh đường cầu nguyện, vận động 129 người đến khu cách ly tập trung tại ký túc xá Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, một số trường hợp “lách” khai báo, cố tình giấu lịch trình di chuyển khiến cơ quan chức năng khó khăn trong việc kiểm soát người nghi nhiễm. Đơn cử như bệnh nhân 34 ở tỉnh Bình Thuận đã cố tình giấu lịch trình di chuyển của mình, lây lan dịch bệnh cho hơn 10 người khác. Đồng thời, một số khu dân cư, chung cư bị cách ly, hàng trăm người tiếp xúc liên quan đến bệnh nhân này được cách ly, theo dõi. Trường hợp bệnh nhân thứ 17 tên N.H.N. (trú tại phường Trúc Bạch, quận Ba Đình), trở về từ vùng dịch nhưng “lách” khai báo, “qua mặt” cơ quan chức năng khi sử dụng 2 hộ chiếu (hộ chiếu Việt Nam và hộ chiếu của Anh) khiến cơ quan chức năng không kịp thời áp dụng biện pháp cách ly tập trung, dẫn đến lây lan dịch trong cộng đồng.
Có thể bị phạt tù lên đến 12 năm
Theo các chuyên gia, ngành y tế đã thông tin về sự nguy hiểm của dịch Covid-19 và các biện pháp phòng dịch cũng như cách hạn chế lây lan dịch cho người khác. Do đó, các trường hợp đi qua vùng dịch “lách” khai báo, trốn tránh cách ly, hoặc các trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 khai báo gian dối, cố tình giấu lịch trình di chuyển khiến cơ quan chức năng khó khăn trong việc kiểm soát. Điều này có thể gây ra hậu quả khôn lường. Đối với các trường hợp khai báo y tế gian dối để trốn tránh cách ly y tế hoặc tự ý trốn cách ly, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hay xử lý hình sự. Tại Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định, người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, sẽ bị phạt tiền 5 - 10 triệu đồng.
“Bên cạnh đó, nếu người có hành vi trốn khỏi nơi cách ly mà mang mầm bệnh, lây nhiễm cho người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự. Nếu bị truy tố, tùy theo mức độ mà đối tượng phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 12 năm và có thể bị phạt tiền 20 - 100 triệu đồng. Lỗi của người vi phạm trong trường hợp này được xác định là lỗi cố ý gián tiếp được quy định tại khoản 2 Điều 10 Bộ luật Hình sự: Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Biện pháp xử lý hình sự hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong tình hình hiện nay là cần thiết nhằm răn đe những người coi thường tính mạng, sức khỏe của bản thân và những người khác. Mặt khác, đây cũng là một trong những biện pháp để nâng cao ý thức bản thân trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước về phòng, chống, góp phần ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh” - Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh nhận định.