Có tình trạng chính quyền không chủ động hỗ trợ người dân tiếp cận chính sách trong phòng chống dịch

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà đánh giá, quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP đến nay thể hiện đã khẩn trương, quyết liệt nhưng cần thẳng thắn nhìn nhận là thời gian đầu còn chậm trễ. Trong đó, có tình trạng cơ quan chính quyền chờ đợi người dân đến chứ không chủ động đến với người dân, chưa có liên thông để hỗ trợ họ được tiếp cận chính sách nhanh chóng, hiệu quả.

Sáng nay (8/9), Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà chủ trì Hội nghị của đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP về tình hình và kết quả thực hiện một số chính sách hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.
Dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng; đại diện lãnh đạo các ban của HĐND TP và lãnh đạo một số sở ngành liên quan.
Cả hệ thống vào cuộc song kết quả còn hạn chế

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, trên tinh thần khẩn trương, quyết liệt và sự vào cuộc chỉ đạo sát sao, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ cấp TP đến quận, huyện, xã, phường, tổ dân phố với quyết tâm giúp người dân sớm được thụ hưởng chính sách, chia sẻ khó khăn, ổn định cuộc sống, các sở ngành, tổ chức chính trị xã hội liên quan và các quận, huyện, thị xã đã nhanh chóng triển khai thực hiện các chính sách của T.Ư, đặc thù của TP và huy động xã hội hóa, Từ đó, tính đến 16h ngày 7/9, toàn TP đã quyết định hỗ trợ cho các đối tượng với tổng kinh phí 946,84 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Nhà nước thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Nghị quyết 15/NQ-HĐND là 754,808 tỷ đồng, nguồn vận động xã hội hóa để hỗ trợ các đối tượng ngoài quy định là 192,031 tỷ đồng.
Tại Hội nghị, các ý kiến đoàn giám sát cho rằng, qua đợt giám sát vừa qua trên địa bàn TP về tình hình và kết quả thực hiện một số chính sách hỗ trợ trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, ghi nhận các sở, ngành, quận, huyện cho tới xã, phường, thôn, tổ dân phố trên toàn TP đã rất cố gắng nỗ lực và vượt qua nhiều khó khăn vất vả trong điều kiện dịch dã để kịp thời nhất thực hiện các chính sách của T.Ư và TP, tiến hành chi trả hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định. Công tác lãnh đạo chỉ đạo trong thời gian qua thể hiện kịp thời, quyết liệt, tập trung, rất đồng bộ, huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị cơ sở, từ tổ dân phố đến ban quản trị chung cư, khu dân cư… Việc triển khai các cơ chế chính sách này cũng nảy sinh rất nhiều khó khăn vướng mắc từ thực tiễn, nhưng TP đã chỉ đạo hướng dẫn tháo gỡ. Việc thực hiện chính sách đến nay khá kịp thời, có những chính sách đạt hiệu quả rất cao, có chính sách đến với người dân ngay sau khi ban hành…
Mặc dù vậy, thực tế giám sát cho thấy còn một số hạn chế, bất cập, điển hình là: Một số chính sách chưa đến được với các đối tượng, nhiều địa phương vẫn đang trong quá trình rà soát thống kê tổng hợp, chưa chi trả được cho các hộ dân… Vì vậy, số tiền chi trả đến các đối tượng thụ hưởng còn hạn chế. Cùng một chính sách nhưng nhiều địa phương có những cách làm khác nhau, có địa phương làm tốt có địa phương chưa tốt… Trong khi, muốn chính sách đến được người thụ hưởng cần sự tích cực từ 2 phía, đó là người dân phải nắm được để tiếp cận chính sách và cơ quan thực hiện chính sách phải quyết liệt, tuy nhiên công tác tuyên truyền vừa qua còn hạn chế.
Các ngành cần tham mưu TP ban hành chính sách kịp thời, đúng, trúng
Tiếp thu các ý kiến thành viên đoàn giám sát và các sở ngành, phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng khẳng định: TP thời gian qua đã triển khai toàn diện, kịp thời, tích cực việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho những đối tượng theo quy định. Các địa phương vào cuộc tích cực, nhiều địa phương có cách làm sáng tạo triển khai linh hoạt. Từ đó, có một số cơ quan T.Ư, địa phương lấy Hà Nội làm điển hình để triển khai nhân rộng.
Tuy vậy, theo Phó Chủ tịch UBND TP, thực tế cho thấy việc thực hiện các chính sách này còn chậm trễ ở một số lĩnh vực, trong khi một số ngành làm tốt thì có những ngành triển khai còn chậm trễ, dẫn đến kết quả chung của TP còn hạn chế. Nhất là, một số đơn vị lúng túng cứng nhắc trong thực hiện dù đã được TP có tháo gỡ, nên dư luận còn nhiều ý kiến; có đơn vị dù đã có văn bản hướng dẫn nhưng triển khai chưa thấu đáo về lý và tình; số liệu cập nhật chưa thường xuyên, đồng bộ, thiếu bài bản… TP cũng thường xuyên đôn đốc các địa phương, đơn vị bổ sung các đối tượng được hỗ trợ ngoài quy định của T.Ư, nhưng việc triển khai rất chậm trễ. Nhiều địa phương mới quan tâm đến những vấn đề trong khuôn khổ dễ thực hiện, chưa dám mạnh dạn đề xuất… Do đó, hiệu ứng hiệu quả của chính sách chưa đạt như mong muốn.
“Ngay sau cuộc họp này, UBND TP sẽ có chỉ đạo, bởi nếu công tác thống kê chậm thì chủ trương vào cuộc sống cũng bị chậm trễ. Không thể để một đơn vị chậm trễ ảnh hưởng đến kết quả chung TP. Văn phòng UBND TP cần đôn đốc ngay các đơn vị chậm báo cáo, Sở LĐ-TB&XH nhanh chóng tổng hợp, tiếp tục nghiên cứu các vấn đề khó khăn của người dân và DN để tiếp tục đề xuất tạo cơ chế chính sách hỗ trợ kịp thời” - Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà phát biểu kết luận Hội nghị

Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà ghi nhận cố gắng nỗ lực của từ UBND TP cho tới các sở, ngành, quận, huyện, xã, phường… trên toàn TP để kịp thời triển khai đưa các chính sách hỗ trợ đến với người dân trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.
Mặc dù vậy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP đánh giá, quá trình thực hiện đến nay thể hiện đã khẩn trương, quyết liệt nhưng cần thẳng thắn nhìn nhận là thời gian đầu còn chậm trễ. Trong đó, có tình trạng cơ quan chính quyền chờ đợi người dân đến chứ không chủ động đến với người dân, chưa có liên thông để hỗ trợ họ được tiếp cận chính sách nhanh chóng, hiệu quả.
Trước ý kiến các sở ngành cho thấy một số đối tượng người dân gặp rất nhiều khó khăn chưa được hỗ trợ, cho thấy sự phối hợp giữa một số sở ngành chưa nhịp nhàng. Như trong ngành du lịch, số đối tượng được hỗ trợ quá thấp, nên cần thấy được trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Ngay từ các sở, vẫn còn tâm lý tìm sự an toàn cho các cơ quan tổ chức thực hiện mà chưa tìm sự chia sẻ với người dân.
Trước phản ánh của một số địa phương về việc nếu chi hỗ trợ theo ngày nhưng một ngày nhiều ca kíp trực thì không rõ chi thế nào, nhất là với tuyến đầu trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP đề nghị các cơ quan liên quan sớm rà soát để đề xuất TP bổ sung cho đối tượng này, đảm bảo phù hợp chính sách, tránh những tranh luận không đáng có trong Nhân dân. Về xét duyệt cho các đối tượng còn nhiều khó khăn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP nhấn mạnh người lao động tự do không có giao kết HĐLĐ hoặc không đóng BHXH còn chiếm số đông, nên đề nghị Sở LĐ-TB&XH khẩn trương rà soát để cố gắng bao phủ chính xác, thể hiện sự quan tâm đến các đối tượng.
Trước đề xuất của một số ngành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP đồng ý và đề nghị các ngành tham mưu TP ban hành chính sách kịp thời, kể cả với những đối tượng trong ngành công an, du lịch, trong các khu cách ly, thu dung…, trên cơ sở đúng, trúng đối tượng. Các sở ngành cũng cần đôn đốc các bộ ngành T.Ư để giải quyết kịp thời các vướng mắc, để TP có thể chi trả kịp thời cho các đối tượng đúng quy định.
Đặc biệt, UBND TP cần phát huy vai trò chỉ đạo toàn diện công tác chi trả hỗ trợ trên địa bàn TP, đánh giá các chính sách có kịp thời đến tay các đối tượng thụ hưởng hay chưa, có vướng mắc gì trong triển khai, tổng thể cân đối nguồn lực cho các địa phương nhất là khối huyện. Với những vướng mắc khi đề xuất chính sách, cần rà soát kỹ việc phối hợp giữa các ngành để tránh khập khiễng, trong đó ngành tài chính cố gắng sát sao với các ngành để rõ về cơ chế tài chính, nguồn lực. Riêng với Sở LĐ-TB&XH, UBND TP cần chỉ đạo Sở tổng hợp vướng mắc, tham mưu TP giải quyết, chủ trì phối hợp các ngành rà soát các đối tượng cần hỗ trợ.