Cổ tức ngân hàng: Nước chảy ngược?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùa Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của các ngân hàng đã đi được hơn một nửa chặng đường....

Kinhtedothi - Mùa Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của các ngân hàng đã đi được hơn một nửa chặng đường. Trong khi cổ đông nhiều ngân hàng lớn bị thất hứa hoặc “bớt xén” cổ tức tiền mặt thì tại một số ngân hàng tầm trung và nhỏ, cổ đông lại hoan hỉ với mức chia cổ tức khá trong bối cảnh hệ thống này có nhiều biến động, thách thức trong cuộc “đại phẫu” ngân hàng năm 2015.

“Đại gia” thất hứa

Với bất kỳ cổ đông nào, khi nắm giữ cổ phần, bên cạnh giá trị lên xuống của cổ phiếu, thì cổ tức là mối quan tâm hàng đầu, vì nó không chỉ mang lại hiệu quả đầu tư thiết thực- tiền tươi thóc thật, mà còn là thước đo quan trọng đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp- trực tiếp quyết định sự tăng giảm của cổ phiếu. Nế trước đây, cổ phiếu các ngân hàng lớn được coi là “mỏ vàng” thì tại mùa ĐHCĐ năm nay, cổ đông nhiều ngân hàng lớn lại đang phải thở dài ngao ngán. Danh sách các nhà băng thất hứa cổ tức tiền mặt đang ngày càng dày lên.

Tại BIDV, theo kế hoạch đã được thông qua tại ĐHCĐ thường niên năm 2015, tỷ lệ chi trả cổ tức là trên 9%. Tuy nhiên theo tài liệu gửi đến cổ đông tại Đại hội năm nay, mức chi trả đã giảm xuống còn 8,5%, thấp hơn kế hoạch đã đưa ra ban đầu.
Cổ đông của SHB bị thất hứa nhận cổ tức bằng tiền mặt của năm 2015.
Cổ đông của SHB bị thất hứa nhận cổ tức bằng tiền mặt của năm 2015.
Thông tin không trả cổ tức năm 2015 cũng chính thức được ban lãnh đạo Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) trình tại ĐHCĐ thường niên năm 2016 ngày 26/4 dù năm 2015, ngân hàng này lãi sau thuế 5.698 tỷ đồng (đã kiểm toán) năm 2015.

Một gương mặt khác nói không với cổ tức tiền mặt là ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội (SHB). Tại ĐHCĐ, lãnh đạo SHB đưa ra xin ý kiến là sẽ tăng 1.711 tỷ đồng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức và nhận sáp nhập Công ty tài chính Vinaconex-Viettel. Trong đó, tăng vốn từ phát hành cổ phiếu từ nguồn phân chia cổ tức năm 2015 là 711 tỷ đồng (tương ứng chia cổ tức 7,5% bằng cổ phiếu), tăng vốn từ việc nhận sáp nhập Công ty Tài chính Vinaconex Vietel là 1.000 tỷ đồng. Với phương án tăng vốn này, cổ đông của SHB sẽ tiếp tục không được nhận cổ tức bằng tiền mặt cho kết quả kinh doanh năm 2015. Trước đó, tại ĐHCĐ năm 2015, khi quyết định chia cổ tức bằng cổ phiếu 7% năm 2014 cho cổ đông, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB "hứa" sẽ trả cổ tức cao hơn năm 2015 và sẽ trả bằng tiền mặt.

Ngày 22/4, ĐHCĐ TPBank cũng đã “chốt” dành toàn bộ lợi nhuận của năm 2015 vào việc tái đầu tư hoạt động kinh doanh, tiếp tục củng cố và phát triển ngân hàng. Năm 2015, TPBank hoạt động kinh doanh hiệu quả và trở thành ngân hàng quy mô tầm trung với tổng tài sản đạt trên 76,2 nghìn tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với 2014, vượt kế hoạch lợi nhuận đạt mức 626 tỷ đồng.

Vừa hoan hỉ

Bên cạnh những ngân hàng khiến cổ đông tức tưởi khi nhắc đến cổ tức, vẫn có nhiều ngân hàng  đem lại niềm hân hoan cho cố đông với tỷ lệ chia cổ tức hai con số. Năm 2015, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) ghi nhận 3.096 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 2.395 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cùng tăng 92% so với năm 2014. Sau khi trừ các khoản giảm lợi nhuận sau thuế, lợi nhuận còn lại chưa phân phối là 1.652 tỷ đồng, chia cổ tức bằng cổ phần phổ thông với tỷ lệ 13,07% trên tổng mệnh giá cổ phần phổ thông.

Ngày 28/4, ĐHCĐ VIB đã phê duyệt tỷ lệ chi trả cổ tức và cổ phiếu thưởng năm 2015 ở mức 25%, bao gồm cổ tức tiền mặt 8,5% và cổ phiếu thưởng là 16,5% tính trên vốn điều lệ cuối kỳ là 4.845 tỷ. Tỷ lệ này tăng nhẹ so với con số 24% của năm 2014 (bao gồm 9% cổ tức tiền mặt và 15% cổ phiếu thưởng). VIB hiện đang là ngân hàng dẫn đầu về chi trả cổ tức trong năm 2015. Theo mục tiêu đề ra, VIB sẽ tiếp tục chi trả cổ tức cao thời gian tới. Cụ thể, ĐHĐCD đã thông qua một số tính định hướng cho VIB trong giai đoạn tới, bao gồm: Tăng trưởng hàng năm ở mức 20%-30% đối với các chỉ tiêu dư nợ, huy động vốn và tăng trưởng khách hàng. Riêng chỉ tiêu lợi nhuận sẽ đạt mức tăng 20%-30% từ năm 2017; Thường xuyên duy trì nợ xấu ở mức dưới 3%; Duy trì thu nhập hấp dẫn cho cổ đông với tổng mức chi trả cổ tức tiền mặt và cổ phiếu thưởng hàng năm ở mức 15%-25%.

“Ôm” nhỏ, cổ đông ngân hàng lớn chịu thiệt?

Trả lời thắc mắc của cổ đông về việc giảm chia cổ tức, lãnh đạo BIDV cho biết, việc thực hiện chia cổ tức còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Sau khi sáp nhập với ngân hàng MHB, số lượng cổ phần BIDV tăng lên đồng nghĩa số lượng cổ phần chia cổ tức tăng lên nên sẽ khó giữ đực mức cổ tức như ban đầu. “Nếu thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt, việc thực hiện tăng vốn hơn 9,4 nghìn tỷ trong năm nay sẽ rất khó. Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng là chỉ đạo của NHNN, ngân hàng sẽ dùng nguồn lực đó để tăng năng lực tài chính của ngân hàng”- lãnh đạo BIDV giải thích.

“Ôm” ngân hàng nhỏ cũng là nguyên nhân khiến cổ đông Viettinbank ngậm ngùi với việc không được chia cổ tức. Đại diện Viettinbank cho biết, ngân hàng này không thể trả cổ tức do đây là một trong những việc bị cấm đối với các bên tham gia sáp nhập trong thương vụ với Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank). Không chỉ VietinBank mà PGBank cũng không được phép chia cổ tức trước khi sáp nhập để đảm bảo không làm giảm giá trị sổ sách cổ phần của mỗi bên. Kế hoạch sáp nhập với PGBank dù được nêu ra từ lâu nhưng đến nay thương vụ này vẫn chưa hoàn tất. Ban lãnh đạo VietinBank lần này cũng xin cổ đông thông qua một số nội dung sửa đổi, cập nhật cho giao dịch sáp nhập với đối tác.

Cũng tại SHB- ngân hàng đã từng “ôm” một khối lượng nợ xấu khá lớn khi đưa Habubank về “chung nhà”, thời gian qua, trên thị trường chứng khoán, trị giá cổ phiếu SHB sụt giảm khá mạnh. Năm 2016, SHB dự kiến tăng trưởng tiếp 13% tổng tài sản, huy động tăng 19,9% và tín dụng tăng 20%. Lợi nhuận trước thuế 1.350 tỷ đồng (tăng 32,6%). Ngoài tăng vốn điều lệ, SHB cũng chính thức gia nhập sân chơi tín dụng tiêu dùng bằng việc sáp nhập Công ty tài chính Vinaconex Vietel.

Theo các chuyên gia kinh tế, sở dĩ lợi nhuận chưa đạt kỳ vọng và chia cổ tức năm 2015 ở mức thấp là do các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng lớn cho những khoản nợ xấu trước đây. Việc không chia cổ tức năm 2015 cũng là một giải pháp để các ngân hàng bổ sung nguồn vốn tự có, nâng cao năng lực tài chính, đồng thời tuân thủ các giới hạn về an toàn vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Cơ quan này cũng khuyến khích các ngân hàng hạn chế trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, thay vào đó là trả bằng cổ phiếu để nâng cao năng lực vốn.