|
Điều dưỡng Nguyễn Thanh Thủy chăm sóc bệnh nhân. |
Gắn bó với người bệnh HIV đến nay đã sang năm thứ 11, trải qua không ít thăng trầm, chị vẫn luôn dành nhiệt huyết chăm sóc những bệnh nhân “đặc biệt” - đồng nhiễm HIV và lao. Trò chuyện với chúng tôi, chị cho biết, các bác sĩ, điều dưỡng làm việc rất vất vả, cơ sở vật chất thiếu thốn, chưa phù hợp với mô hình một BV đặc thù.
Ngoài những chia sẻ về nghề, chị còn nỗi niềm trăn trở về bệnh nhân, họ đều là những người thiếu thốn tình cảm, chế độ dinh dưỡng không đầy đủ do không được người thân chăm sóc. Mọi việc đều phó mặc bác sĩ, điều dưỡng BV. "Chúng tôi chăm sóc người bệnh bằng cái tâm. Người bệnh ở đây đến rồi lại đi, nhiều người coi đây như chốn đi, về của họ. Vì thế, bệnh nhân và các y, bác sĩ luôn cảm thấy thân tình" - chị chia sẻ và không giấu nổi chua xót: "Không chỉ người bệnh bị kỳ thị, mà ngay cả những bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân có H cũng bị kỳ thị". Nhiều bác sĩ, y tá trẻ công tác tại đây không thể lập gia đình cũng bởi sự kỳ thị nghiệt ngã của xã hội. Có những người không chịu nổi áp lực từ gia đình, người thân hay từ phía người yêu, gia đình người yêu đã phải bỏ việc. Mặc dù luôn đối mặt với hiểm nguy và nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng chưa bao giờ chị có ý định rời bỏ nơi đây. Có những kỷ niệm vui với bệnh nhân khiến chị nhớ mãi. Bệnh nhân Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) đặt cho chị biệt danh "xe tăng", bởi chị rất nghiêm khắc với bệnh nhân, đôi lúc lạnh lùng. Nhưng gần chị lâu, ai cũng hiểu chị có trái tim nhân hậu, ấm nóng luôn dành cho bệnh nhân.
Hãy mở lòng với người bệnhNhững bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối người lở loét, chỉ còn da bọc xương, không có người thân bên cạnh nên mọi việc từ tắm rửa, vệ sinh, thay áo quần, cho ăn, uống đều đến tay các điều dưỡng. Khổ mấy chị không ngại, vất vả mấy chị cũng chẳng kêu than, nhưng lòng chị thắt lại mỗi khi chứng kiến những cái chết cô độc của bệnh nhân AIDS. Chị kể: "Có bệnh nhân nằm nội trú ở BV ba, bốn năm trời nhưng tuyệt nhiên không có một người thân nào tới thăm”. Ngay cả khi bệnh nhân qua đời, nhiều lần chờ mãi cũng chẳng thấy người nhà vào lo thủ tục mai táng, mọi việc lại đến tay các y, bác sĩ. Chị ám ảnh nhất là ánh mắt của bệnh nhân những ngày cuối đời, lúc nào họ cũng đau đáu ngóng chờ người thân. Dù không nói ra nhưng ai cũng hiểu trong giây phút sắp lìa đời, họ cần đến thế nào sự chia sẻ, quan tâm của người thân trong gia đình.
Hết lòng vì người bệnh, những điều dưỡng, bác sĩ tại BV 09 mong muốn, cộng đồng hãy mở lòng hơn với người bệnh. “Họ đã đau về thể xác rồi, đừng để họ đau thêm về tinh thần. Những lúc cuối đời, họ cần hơi ấm của tình thân, đừng để họ cô đơn, lạnh lẽo thêm”. Trăn trở của chị Thủy cũng là trăn trở của những thầy thuốc áo trắng của BV 09.