Cởi gỡ để phát triển điện khí LNG đảm bảo an ninh năng lượng

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong Quy hoạch điện VIII, sẽ có 15 dự án nhà máy nhiệt điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) phân bố  trên cả nước. Do đó, rất cần cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án LNG trong nước, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống cấp điện.

Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước là 150.489MW (không bao gồm nhập khẩu, điện mặt trời mái nhà tự dùng, năng lượng tái tạo để sản xuất năng lượng mới) và định hướng tới năm 2050, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 490.000 - 573.000MW.

Cấp thiết để bù đắp thiếu điện

Cơ cấu nguồn nhiệt điện khí trong nước và LNG đến năm 2030 sẽ đạt 37.330MW, tương ứng 24,8% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất về cơ cấu nguồn điện. Còn nhiệt điện than chiếm tỷ trọng 20%, thủy điện 19,5%, điện gió trên bờ và ngoài khơi 18,5%.

Một góc đường ông dẫn khí tại Kho cảng LNG Thị Vải tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu của PV GAS thuộc Petrovietnam. Ảnh: Khắc Kiên
Một góc đường ông dẫn khí tại Kho cảng LNG Thị Vải tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu của PV GAS thuộc Petrovietnam. Ảnh: Khắc Kiên

Với cơ cấu nguồn điện đó, cùng định hướng đến năm 2050 không còn sử dụng than cho phát điện, các chuyên gia cho rằng, vai trò chạy nền của các nhà máy điện khí trong hệ thống là tất yếu… Việc đưa LNG vào sử dụng còn để phù hợp với cam kết của Chính phủ tại COP26 về xu hướng sử dụng nhiên liệu giảm phát thải.

Trong Quy hoạch điện VIII, sẽ có 15 dự án nhà máy nhiệt điện LNG phân bố  trên cả nước. Chỉ tính đến năm 2030, để đáp ứng khí cho 13 dự án nhiệt điện LNG với tổng công suất 22.400MW, mỗi năm cần kho chứa đạt khoảng 15 - 18 triệu tấn. Tuy nhiên, hiện Việt Nam mới chỉ có duy nhất 1 dự án kho chứa LNG tại Thị Vải với công suất 1 triệu tấn/năm.

Điều này cho thấy, việc nhập khẩu LNG cho sản xuất điện là xu hướng tất yếu. Bởi khi các mỏ khí khai thác trong nước đang suy giảm nhanh qua từng năm, vừa cung cấp cho các dự án điện khí LNG mới, vừa cấp thiết bù đắp nguồn cho các nhà máy điện khí hiện hữu có nguy cơ bị thiếu hụt nhiên liệu trong tương lai.

Sớm phát triển theo cơ chế thị trường

Phát triển điện khí là phù hợp với chủ trương của Việt Nam trong Quy hoạch điện VIII để đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống, giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường, bù đắp thiếu hụt năng lượng cho hệ thống và đảm bảo đa dạng nguồn cung cấp nhiên liệu. Đây là nguồn dự phòng khi tỷ trọng của các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao trong cơ cấu nguồn, đảm bảo ổn định cung cấp điện cho hệ thống.

Kho cảng LNG Thị Vải tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu  về đêm của PV GAS thuộc Petrovietnam. Ảnh: Khắc Kiên
Kho cảng LNG Thị Vải tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu  về đêm của PV GAS thuộc Petrovietnam. Ảnh: Khắc Kiên

Tuy vậy, trong phát triển điện khí, thách thức lớn là nguồn cung và giá do hoàn toàn phụ thuộc nhập khẩu. Việt Nam chưa chủ động được nguồn cấp LNG. Do vậy, giá nhiên liệu khí hóa lỏng biến động thất thường và chiếm tỷ lệ từ 70 - 80% giá thành điện năng sản xuất, nên việc xây dựng cơ chế giá phù hợp để thích nghi với những thay đổi giá nhiên liệu, nhưng không tác động quá lớn tới giá bán lẻ điện là thách thức rất lớn với Việt Nam.

Bên cạnh đó, các chuyên gia chỉ ra, những vướng mắc trong việc triển khai các dự án điện khí hiện vẫn là đàm phán giá điện. Nguyên nhân do bên mua là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán giá đang cao hơn giá bán lẻ điện bình quân  bán ra; chưa ban hành khung giá phát điện cho các nhà máy điện khí hóa lỏng; khung pháp lý chưa hoàn thiện; việc thu xếp vốn gặp nhiều khó khăn do cần đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tài chính về các điều kiện bảo lãnh, cam kết để đầu tư có hiệu quả…

Trong khi đó, đến năm 2030 chỉ còn 7 năm để các dự án khí hóa lỏng triển khai và đi vào vận hành. Nếu không nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc, việc triển khai các dự án khí hóa lỏng sẽ gặp trở ngại lớn, đồng thời sẽ ảnh hưởng đến bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Dầu khí Việt Nam Nguyễn Hùng Dũng cho rằng, cơ chế thị trường phải hoàn toàn theo thị trường của dầu khí. Việt Nam có duy nhất tổng kho 1 triệu tấn, trong Quy hoạch điện VIII, nhiều tỉnh có quy hoạch điện khí, mong chuyển đổi từ than thành điện khí. Các doanh nghiệp bao giờ cũng hướng tới lợi ích và mong muốn thị trường phải được phát triển lành mạnh, đảm bảo tính công bằng.

“Việc điều tiết của Nhà nước là đảm bảo ổn định chính trị. Ở một số nước như Hàn Quốc, Singapore… Nhà nước chi phối việc điều tiết thị trường khí. Phát triển thị trường khí cần quy hoạch tổng thể, có chiến lược dài để các doanh nghiệp chủ động, không phải chạy theo. Điện khí là xu hướng tất yếu. Do đó, khi có cơ chế, chính sách sẽ đảm bảo cho các nhà đầu tư yên tâm” - ông Dũng đề nghị.

Bàn về vấn đề, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Đức Kiên cho rằng, quan điểm phát triển trung tâm nhập khí, chuyển khí, trước mắt chọn 1 - 2 doanh nghiệp làm, tiến hành kiểm toán, cổ phần hóa theo cơ chế thị trường để minh bạch. Việt Nam cần chuyển đổi nhận thức xã hội đối với thị trường bán lẻ điện.

Hiện vẫn đang đồng nhất EVN với ngành năng lượng. Khi xảy ra vấn đề về điện, dư luận chỉ tập trung vào trách nhiệm của EVN, trong khi trách nhiệm là của cả ngành năng lượng về nguồn cung. Về giải pháp căn cơ, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thực hiện các kế hoạch đảm bảo an ninh năng lượng theo nghị quyết của Quốc hội.