Phóng viên báo Kinh tế&Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Reenco Sông Hồng (Tổng Công ty Sông Hồng) xung quanh vấn đề này.
Ông đánh giá như thế nào về những định hướng mà Chính phủ đưa ra lần này, nhất là Nghị quyết 02/NQ - CP?
- Tôi cho rằng, việc giãn, giảm thuế, thuế chậm chính là cơ sở để doanh nghiệp có cơ hội tái tạo sản xuất, không mất nguồn lực khi triển khai. Bên cạnh đó, sẽ tạo niềm tin cho người tiêu dùng và bản thân doanh nghiệp kinh doanh.
Nếu hàng tồn kho được tháo gỡ, BĐS tăng thanh khoản thì thị trường rất có cơ hội phát triển. Bởi tỷ lệ m2/đầu người ở nước ta còn rất thấp so với khu vực và thế giới. Xu thế đô thị hóa đang ở giai đoạn đầu và trong tương lai nhu cầu nhà ở còn rất lớn, vì vậy, thị trường này còn rất tiềm năng. Khi van tín dụng mở, các chính sách được nới lỏng sẽ tạo điều kiện cho thị trường BĐS phục hồi: Khi các chính sách được áp dụng đồng bộ, thì tương lai không xa thị trường Việt Nam sẽ ấm dần và phát triển bền vững.
Nhà tái định cư khu Nam Trung Yên. Ảnh: Hải Linh
Việc cho phép chuyển đổi nhà thương mại sang nhà ở xã hội, nhà tái định cư có phù hợp với thực tế không, thưa ông?
- Chuyển đổi là hợp lòng dân và doanh nghiệp, tháo gỡ về mặt vĩ mô chính sách nhà đất. Tuy nhiên, Chính phủ phải có những hướng đi cụ thể, hợp lý và sát thực.
Đặc biệt, cần thay đổi cách nhìn về nhà ở xã hội, nhà tái định cư. Lâu nay, chúng ta quan niệm nhà tái định cư, nhà ở xã hội là những nhà thấp cấp, rẻ tiền, dẫn đến việc đầu tư xây dựng cũng như chất lượng bị ảnh hưởng. Phải tư duy phân khúc này như một phần BĐS và đối xử như nhà thương mại. Nếu không thì chẳng ai muốn mua nhà ở xã hội, nhà tái định cư.
Mặt khác, không nên áp đặt, ép tái định cư phải ở một chỗ mà quên đối tượng giải phóng mặt bằng, tái định cư cũng có rất nhiều nhu cầu khác nhau. Cùng với đó, dựa trên nhu cầu và khả năng mà đưa ra khung giá, diện tích nhà ở khác nhau. Chẳng hạn từ 10 - 25 triệu đồng/m2, diện tích 40 - 100m2. Nếu đạt được thỏa thuận thì việc thu mua nhà thương mại làm nhà ở xã hội, tái định cư rất dễ dàng. Đây cũng là phương án giải quyết tốt lượng hàng tồn kho cho các nhà đầu tư, thúc đẩy họ duy trì và phát triển.
Còn việc chuyển đổi công năng nhà thương mại sang cho thuê cũng rất đáng chú ý. Bởi không chỉ người thu nhập cao có nhu cầu mà Việt Nam đã, đang đón nhận một lượng lớn các doanh nghiệp, khách nước ngoài đến làm việc và sinh sống, nên nhu cầu về thuê căn hộ cao cấp rất cao. Nên chăng trong lúc này, Nhà nước có thể cùng một số doanh nghiệp tạo ra nguồn quỹ đầu tư phát triển nhà thương mại theo hướng cho thuê để giảm áp lực hàng tồn.
Chỗ nào cũng chuyển đổi thành nhà ở xã hội, nhà tái định cư, nhà diện tích nhỏ liệu có khiến thị trường bị lệch trong tương lai?
- Nhu cầu hàng năm về nhà diện tích nhỏ, tái định cư, nhà xã hội rất lớn. Tại Hà Nội, một năm cần 20.000 căn để tái định cư, trong khi 10 năm mới xây dựng được hơn 14.000 căn.
Việc chậm trễ này ảnh hưởng rất nhiều đến công tác cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng, kéo dài thời gian khiến giá xây dựng tăng cao. Nếu 2013, giải phóng mặt bằng đến đâu làm cơ sở hạ tầng đến đó, thì hiệu quả trên đồng vốn đầu tư rất cao, năng lực sản xuất kinh doanh tăng, chi phí giảm, giá thành các khu nhà cũng được hạ xuống.
Trong tương lai, thị trường BĐS Việt Nam sẽ bước sang giai đoạn mới, bền vững hơn. Chúng ta không lo không phát triển mà chỉ sợ làm sai, làm thiếu, lệch quy luật thị trường.
Xin cảm ơn ông!