70 năm giải phóng Thủ đô

"Cởi trói" cho nghiên cứu khoa học công nghệ

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ còn tồn tại thực trạng “đút ngăn kéo”. Mối liên kết giữa nghiên cứu với đào tạo, giữa nghiên cứu với thị trường và doanh nghiệp còn yếu.

Nhiều quy định cứng nhắc

Khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo đã từng bước khẳng định vai trò, động lực trong phát triển kinh tế xã hội, nghiên cứu cơ bản đạt được nhiều thành tựu. Theo đó, chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 45,2% giai đoạn 2016-2020 (vượt mục tiêu 35%). Năm 2021, TFP đóng góp khoảng 37,5%; năm 2022, đóng góp khoảng 43,8% vào tăng trưởng kinh tế. Nghiên cứu khoa học kỹ thuật và công nghệ đã phát triển lên một tầm cao mới về năng lực và trình độ nghiên cứu, đóng góp ngày càng hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống của người dân.

Cần cơ chế khuyến khích nhà khoa học nghiên cứu sáng tạo (ảnh minh họa)
Cần cơ chế khuyến khích nhà khoa học nghiên cứu sáng tạo (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, TS Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN) nhìn nhận rằng, trình độ KH&CN của nước ta có khoảng cách đáng kể so với các nước nhóm đầu khu vực Đông Nam Á. Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả. Thị trường KH&CN phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng. Các kết quả nghiên cứu còn tồn tại thực trạng “đút ngăn kéo”. Mối liên kết giữa nghiên cứu với đào tạo, giữa nghiên cứu với thị trường và doanh nghiệp còn yếu.

Theo TS Phạm Đức Nghiệm, hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách về KH&CN còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự tạo động lực cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cũng như thúc đẩy trao đổi, mua bán các sản phẩm KH&CN. Ngoài ra, còn thiếu cơ chế chính sách phù hợp hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp thực hiện đổi mới, ứng dụng công nghệ. Đặc biệt là thiếu các cơ chế khoa học mạnh, cũng như cơ chế thu hút sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành có khả năng dẫn dắt các hướng nghiên cứu mới.

 

“Hiện Việt Nam chưa có chính sách đảm bảo việc sử dụng các nhà khoa học khi triển khai DN đổi mới sáng tạo không thành công. Vì vậy các nhà khoa học chưa mạnh dạn dấn thân vào con đường thương mại hóa và các kết quả nghiên cứu vẫn chưa được đưa vào thực tế ứng dụng” – GS.TS Châu Văn Minh chỉ ra.

Đồng quan điểm trên, GS.TS Châu Văn Minh – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nêu một thực tế, nước ta có một đội ngũ nhà khoa học được đánh giá cao trên thế giới, nguồn nhân lực trẻ sáng tạo năng động. Những nghiên cứu đột phá của người Việt Nam trên thế giới rất nhiều trong các lĩnh vực, từ y học, vật liệu mới, hàng không, vũ trụ…. Nhưng để những công trình đó đem về Việt Nam là cả một quá trình thách thức. 

Chia sẻ vướng mắc từ thực tế, TS Trịnh Thành Trung - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, cơ chế quản lý khoa học còn cứng nhắc đang tạo ra những rào cản trên con đường nghiên cứu, sáng tạo, tìm kiếm các hướng đi đột phá của các nhà khoa học. Kết quả nghiên cứu đề tài khoa học thường phải đúng như dự kiến ban đầu mới được nghiệm thu. Do vậy, họ phải công bố những kết quả đúng như dự kiến mặc dù có thể kết quả nghiên cứu rẽ sang một hướng khác.  Vì vậy, cần sự thay đổi trong tư duy quản lý, đặc biệt là quản lý tài chính và nghiệm thu kết quả nghiên cứu.

Sửa đổi quy định cho phù hợp thực tiễn

TS Nguyễn Quân – Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam cho rằng, Đảng và Nhà nước đã nhìn rõ vấn đề cần cải thiện, đổi mới. Thứ nhất là phương thức đầu tư cho KH&CN. Hiện, có quy định Nhà nước dành 2% tổng chi ngân sách hàng năm cho đầu tư phát triển khoa học công nghệ, nhưng trên thực tế do nhiều vấn đề khó khăn của nền kinh tế và các ngành nói riêng, khiến cho tỷ lệ này đang bị giảm trong nhiều năm qua. Trong khi vẫn thiếu các chế tài buộc các DN, tổ chức xã hội đầu tư cho phát triển KH&CN. Hầu hết DN không đầu tư cho KH&CN, nên thiếu nguồn đầu tư.

Vì vậy, cơ chế tài chính cần khẩn trương thực hiện Nghị quyết của Đảng và quy định của luật KH&CN năm 2013 đó là có cơ chế đặt hàng, cơ chế khoán chi và cấp phát tài chính của ngân sách phải theo cơ chế quỹ. Nếu không làm được việc đó, thì mãi mãi nhà khoa học sẽ bị bó buộc, hạn chế năng lực sáng tạo. Nút thắt cần tháo bỏ nữa đó là sự đãi ngộ, trọng dụng của Nhà nước với người làm khoa học. “Cho đến nay, chỉ có các nhà khoa học không có chế độ phụ cấp gì ngoài lương, trong khi các ngành nghề khác đều có 1-34 loại phụ cấp, để họ không toàn tâm toàn ý cho khoa học” – TS Nguyễn Quân cho hay.

Ở góc độ DN, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo cho rằng, để hỗ trợ các nhà khoa học trẻ, Nhà nước cần xây dựng chính sách, cơ chế hợp tác giữa cơ sở khoa học của Nhà nước với DN để làm căn cứ cho sự kết nối, chuyển giao khoa học công nghệ có hiệu quả hơn. Đồng thời cần có thêm những cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà khoa học hoạt động, nghiên cứu.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, nhiều quan điểm mới về quản lý KH&CN và đổi mới sáng tạo đang được nghiên cứu, dự kiến trình Trung ương cho ý kiến như: vấn đề quản lý Nhà nước về hoạt động đổi mới sáng tạo, việc chấp nhận rủi ro, độ trễ trong hoạt động nghiên cứu, vấn đề mô hình, cơ chế hoạt động của các Quỹ. Bộ cũng đang tập trung rà soát các nghị định của Chính phủ về cơ chế đầu tư, cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN và nghị định của Chính phủ về cơ chế tự chủ của các tổ chức KH&CN công lập. Trong thời gian tới, Bộ sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cơ chế, chính sách, quy định phù hợp với thực tiễn, thúc đẩy chương trình tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ nước ngoài vào Việt Nam.