Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Cởi trói” về pháp lý cho condotel

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc “cởi trói” về pháp lý cho condotel thông qua hình thức công nhận thời hạn sử dụng cụ thể sẽ giúp cho chủ đầu tư và người đầu tư có cơ sở để hoạt động, kinh doanh, từ đó tạo đòn bẩy cho thị trường.

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho sản phẩm condotel sẽ tạo đòn bẩy cho thị trường phát triển (trong ảnh - một dự án condotel tại Hội An - Quảng Nam. Ảnh: Doãn Thành
Tạo đòn bẩy cho phát triển
Cuối tuần qua, Bộ TN&MT đã chính thức có văn bản gửi Sở TN&MT các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư hướng dẫn về chế độ sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở. Theo đó, thời hạn cho thuê đất đối với tổ chức để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ có vốn đầu tư lớn được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin thuê đất từ 50 – 70 năm, tùy thuộc vào điều hiện kinh tế - xã hội của từng địa bàn. Bộ TN&MT cũng quy định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất thì đất sử dụng vào mục đích kinh doanh dịch vụ thuộc loại đất thương mại, dịch vụ. Trước đó, trong Luật Du lịch năm 2017 quy định căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch là cơ sở lưu trú du lịch và việc kinh doanh dịch vụ lưu trú tại các căn hộ du lịch, biệt thự du lịch thuộc loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch và thuộc nhóm ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống.
Thực tế trong thời gian qua cũng đã có những quy định cụ thể về pháp lý đối với sản phẩm condotel về công trình xây dựng hay về chức năng kinh doanh nhưng cấp quyền sử dụng đối với sản phẩm này thì chưa có. Việc hướng dẫn thực hiện cấp chứng nhận quyền sử dụng cho condotel lần này sẽ giúp quá trình quản lý, vận hành condotel được thuận lợi hơn và cũng đầy đủ các cơ sở pháp lý để cho những người kinh doanh sản phẩm này.
Chuyên gia nghiên cứu thị trường, Hiệp hội BĐS Việt Nam Vũ Quang Vinh
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Hồng Thơm – Hội Luật gia Việt Nam cho biết, việc quy định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với sản phẩm không phải nhà ở, trong đó có sản phẩm căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, thì chủ sở hữu sẽ có đầy đủ các quyền đối với sản phẩm của mình, bao gồm việc chuyển nhượng, thừa kế, cho thuê, thế chấp... “Trong khi các sản phẩm bất động sản (BĐS) truyền thống đã được khai thác và lấp đầy ở các khu vực nội địa, thì ở vùng ven biển loại hình condotel là dòng sản phẩm mới đầy tiềm năng, được đánh giá là tương lai của thị trường BĐS Việt Nam thời gian tới. Việc “cởi trói” về pháp lý cho condotel thông qua hình thức công nhận thời hạn sử dụng cụ thể sẽ giúp người đầu tư có cơ sở để hoạt động, kinh doanh, từ đó tạo đòn bẩy cho thị trường” – ông Thơm nhìn nhận.
Tương lai của thị trường
Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế cho biết, trong thời gian qua, sản phẩm condotel có những trục trặc nhất định về mặt pháp lý, nhưng đây là một thế mạnh của Việt Nam trong nền kinh tế nói chung và đối với thị trường BĐS nói riêng. Khu vực ven biển cũng đang là nơi có chi phí mua đất thấp hơn trong các đô thị nhưng tốc độ tăng giá lại nhanh hơn. “Cần phải có những nhà đầu tư lớn, trong quá trình khai thác phải liên kết được 3 thành phần: Nhà đầu tư dự án, nhà phát triển dự án và DN du lịch lữ hành, khai thác condotel kèm theo những sản phẩm trải nghiệm, có như vậy mới thu hút được khách hàng” – ông Nghĩa nhận định.
Số liệu thống kê từ Bộ Xây dựng, condotel được du nhập vào Việt Nam cách đây khoảng 10 năm nhưng thực sự “bùng nổ” từ năm 2015 đến nay. Đến thời điểm hiện tại, cả nước có trên 55.000 sản phẩm condotel và officetel được xây dựng, chủ yếu ở các địa phương phát triển về du lịch. Trong năm 2019, mặc dù có sự giảm sút mạnh về số lượng giao dịch trên thị trường, nhưng các chuyên gia, nhà đầu tư vẫn đánh giá cao tiềm năng và đặt nhiều kỳ vọng cho dòng sản phẩm này.