Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơm rượu nếp cẩm "giết sâu bọ"

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơm rượu nếp cẩm là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ của người Việt.

Vào ngày Tết Đoan Ngọ, người miền Nam làm cơm rượu nếp vo viên tròn lạ mắt thì người miền Bắc thường làm cơm rượu nếp cẩm hạt rời nhau.

Nguyên liệu:

- Gạo nếp cẩm: 500gr

- Men ngọt: 1,5 cái men (khoảng 20gr)

- Giấy bạc (hoặc lá sen, lá chuối)

 
Cơm rượu nếp cẩm "giết sâu bọ" - Ảnh 1
Thực hiện:

Bước 1: Gạo nếp cẩm ngâm qua đêm cho mềm gạo (khoảng 8 – 10 tiếng).

Bước 2: Vo sạch gạo, nhặt bỏ hạt thóc nếu có.

Bước 3: Cho gạo vào nồi cơm điện, đổ nước ngang bằng mặt gạo rồi nấu như nấu cơm bình thường, thi thoảng kiểm tra xem cơm nếp đã chín mềm chưa, nếu cơm khô thì thêm vào chút nước rồi lại bật nút cook.

Bước 4: Cơm chín mềm, rải đều cơm ra mâm cho nguội.

Bước 5: Dùng dao cạo bỏ vỏ trấu và lớp màu nâu bên ngoài của cái men. Sau đó đem giã nhuyễn.

Bước 6: Thường thì khi ủ cơm rượu nếp người ta sẽ dùng lá chuối, hoặc lá sen nhưng ở phố xá để kiếm được lá chuối và lá sen thì không hề dễ. Vì vậy các bạn có thể dùng một miếng giấy bạc, cắt một số lỗ nhỏ ở giữa miếng giấy để gói gạo khi ủ.

Bước 7: Khi cơm nếp cẩm đã nguội thì rây men cho phủ đều cơm. Dùng đũa đảo cho men được trộn đều với cơm nếp cẩm.

Bước 8: Cho cơm nếp cẩm vào miếng giấy bạc rồi gói kín lại.

Bước 9: Để một chiếc đĩa hoặc bát con vào nồi, sau đó đặt gói cơm lên trên (sao cho đáy của gói cơm không chạm đáy nồi, đáy đĩa (bát). Đậy nắp nồi lại, để ủ khoảng 2 ngày là có thể ăn được rồi.

Lúc này cơm tiết khá nhiều nước, thơm mùi rượu, ăn có vị ngọt và hơi cay cay. Để tránh việc cơm sẽ tiếp tục quá trình lên men sẽ làm cơm quá cay thì nên cho cơm vào tủ lạnh để làm chậm lại quá trình lên men.

Món cơm rượu nếp cẩm ăn làm sữa chua nếp cẩm cũng rất ngon.

Chúc các bạn thành công và ngon miệng với cơm rượu nếp cẩm!