Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, những làm báo như có một "điểm tựa" để tự tin làm nghề. Điển hình là trước một vấn đề đang gây tranh cãi, một băn khoăn chưa có lời giải đáp chính xác… người làm báo có "địa chỉ" để tìm đến khai thác thông tin, tìm hiểu những điều cần thiết. Tình trạng không biết đâu là đầu mối thông tin, không biết ai có trách nhiệm trả lời những thắc mắc đã được "giải mã", giúp cho việc tác nghiệp của báo chí trở nên thuận lợi và bớt vất vả hơn.
Thực tế, sau khi Quy chế này được ban hành, một số địa phương cũng đã chủ động xây dựng quy chế, quy định người có trách nhiệm phát ngôn cho báo chí. Rất nhiều đơn vị công nhận Quy chế đã tạo điều kiện để mình chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, đồng thời giúp người phát ngôn nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong việc giải quyết những vấn đề mà báo chí phản ánh. Ngoài kênh thông tin chính thức là người phát ngôn, các đơn vị có thêm hình thức cung cấp thông tin hoạt động của mình trên website. Có đơn vị còn thành lập cả bộ phận truyền thông nhằm chủ động cung cấp thông tin, duy trì mối quan hệ với báo chí.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị trả lời phỏng vấn báo chí trong một cuộc họp thường kỳ
Có thể nói, việc thực hiện Quy chế người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí là rất cần thiết để đảm bảo quyền tự do ngôn luận của công dân và báo chí. Qua đó, đảm bảo được sự công khai, minh bạch hóa thông tin của các cơ quan hành chính Nhà nước và những người có trách nhiệm trong hoạt động quản lý Nhà nước. Việc duy trì và thực hiện tốt quy chế này đã tạo cơ hội cho báo chí, công chúng tiếp cận đầy đủ hơn nguồn thông tin chính thống, tin cậy, nhất là đối với những vấn đề nóng, nhạy cảm; góp phần định hướng dư luận xã hội.
Vẫn còn “độ vênh”
Có "điểm tựa" như vậy, song giữa người phát ngôn và "cánh" nhà báo vẫn còn "độ vênh" trong mối quan hệ, tựa như chưa tìm thấy tiếng nói chung. Cụ thể là việc thực hiện Quy chế chưa thống nhất ở nhiều đơn vị, nên nhiều nơi chưa ấn định được người chuyên trách việc phát ngôn. Hoặc có thì người phát ngôn lại kiêm nhiệm và không có bộ máy giúp việc, nên nhiều khi không đáp ứng được yêu cầu thông tin mà báo chí cần, đồng nghĩa với công tác phát ngôn không hiệu quả. Chuyện không hiếm trong quãng thời gian vừa rồi là khi báo chí cần cung cấp thông tin, người phát ngôn phải xin "khất" vì chưa nắm được vấn đề. Đến khi tìm hiểu được vấn đề để trả lời báo chí, thì thông tin đã… nguội, không còn tính cập nhật mà báo chí phải có. Đấy là chưa kể, một số cơ quan, đơn vị còn thực hiện Quy chế này một cách hình thức. Ngoài yêu cầu trình Thẻ Nhà báo, giấy giới thiệu, có công văn đặt lịch làm việc, còn đề nghị phải gửi câu hỏi trước.
Thực tế, khi Chính phủ quy định về người phát ngôn là giúp báo chí có nguồn tiếp cận chính thức, minh bạch, tránh những thông tin ngoài lề, gây dư luận không tốt. Nếu thực hiện đúng tinh thần này, thì quyền tiếp cận thông tin của người dân thông qua báo chí sẽ thêm thuận lợi nhờ sự chính xác, cũng như mức độ phong phú. Tuy nhiên, câu chuyện về mối quan hệ giữa người phát ngôn và báo chí thời gian qua còn có cả "tình tiết" vận dụng cơ chế người phát ngôn để "né" báo chí: Người phát ngôn bận nhiều việc nên khó gặp; các cá nhân có trách nhiệm khác thì vin vào cơ chế này để từ chối trả lời báo chí. Thêm vào đó, cơ chế "tài liệu đóng dấu mật" được sử dụng tràn lan, cũng cản trở việc tiếp cận thông tin của báo chí.…
Chờ sự hợp tác mới
Từ tháng 6/2000, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã duy trì buổi giao ban báo chí định kỳ hàng tuần giữa các đơn vị chức năng của TP với trên 100 nhà báo đại diện các cơ quan thông tấn báo chí Thủ đô và cả nước. Tại đây, nhiều thông tin đã được cung cấp đầy đủ, kịp thời cho báo chí, cùng sự đối thoại thẳng thắn với lãnh đạo các đơn vị, nhất là những vấn đề được dư luận quan tâm, góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận để thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của TP. |
Từ 1/7 này, Quy chế Phát ngôn và Cung cấp thông tin mới, sửa đổi một số quy định trong Quy chế cũ có hiệu lực, người ta hy vọng sẽ có sự hợp tác mới giữa "cánh" nhà báo và người phát ngôn. Bởi với nhiều điều mới, Quy chế có vẻ như cân bằng và công bằng hơn, rút ngắn khoảng cách giữa đôi bên.
Sự cân bằng và công bằng điển hình nhất là quy định người đứng đầu chịu trách nhiệm về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, kể cả trong trường hợp ủy quyền cho người khác. Cục trưởng Cục Báo chí Hoàng Hữu Lượng cho biết: "Trường hợp cơ quan báo chí đăng, phát đúng nội dung thông tin mà người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn cung cấp thì không phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đó. Đây là nội dung mới tạo điều kiện cho báo chí hoạt động, bởi trước đây một số báo đăng trung thực ý kiến người phát ngôn cũng bị kiện. Nhưng, theo Quy chế mới thì báo chí không bị kiện trong trường hợp đăng tải chính xác nội dung thông tin của người phát ngôn".
Quy định người phát ngôn cho báo chí cũng xác định rõ 3 đối tượng có thể được phát ngôn: Người đứng đầu cơ quan; người được giao nhiệm vụ phát ngôn; người được ủy quyền phát ngôn. Và nếu như trước đây, các cá nhân (không phải là người phát ngôn) trong cơ quan cung cấp thông tin cho báo chí chỉ được nói theo quan điểm cá nhân, thì nay còn "siết lại" cụ thể hơn (tại khoản 4, Điều 2): không được tiết lộ bí mật điều tra, bí mật công vụ, thông tin sai sự thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Hơn nữa, thời hạn phát ngôn và cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí cũng được rút ngắn thành ít nhất 3 tháng/lần thay vì trước đây là 6 tháng. Trong trường hợp đột xuất bất thường, trường hợp xảy ra vụ việc cần có ngay thông tin ban đầu, người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm chủ động cung cấp thông tin cho báo chí trong thời gian chậm nhất 1 ngày kể từ khi vụ việc xảy ra (quy chế cũ quy định chậm nhất 2 ngày).
Phải nói rằng, người phát ngôn có vai trò quan trọng trong quan hệ đối ngoại và cũng là xu hướng của xã hội hiện đại. Mối quan hệ giữa người phát ngôn và báo chí trở nên "cơm lành, canh ngọt", thì cả các đơn vị, cơ quan báo chí, lẫn công chúng đều… có lợi.