Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơm sôi nhỏ lửa...

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để có thể vượt qua khó khăn này, vợ chồng bắt buộc phải nhận ra được họ đã tự đánh mất sự kết nối với nhau và cần nỗ lực thiết lập lại mối liên hệ ấy, cần “tìm hiểu” lại từ đầu để nhận ra những ảnh hưởng của hai người lên nhau.

Không ít cặp vợ chồng khi phải tới gặp chuyên gia tư vấn để hàn gắn quan hệ, thậm chí đến cả lúc đưa nhau ra tòa li dị cũng vẫn không thể hiểu vì sao họ có thể cãi nhau “giỏi” đến thế, vì những điều vô cùng nhỏ nhặt mặc dù họ rất yêu nhau.

Như chị Hải Vân (Đống Đa, Hà Nội), khi trò chuyện với chuyên gia tâm lý, cho biết, chị và chồng yêu nhau nên mới kết hôn, cũng tìm hiểu đến gần 2 năm và hầu như chẳng có gì về nhau mà hai người chưa hiểu hết. Thế nhưng lấy nhau rồi mới thấy nhiều lúc cảm thấy không thể chịu đựng nổi.
Cơm sôi nhỏ lửa... - Ảnh 1
Như mỗi chuyện cái bóng đèn trong nhà tắm hỏng, chị bảo anh thay nhưng mãi đến tối hôm sau anh vẫn chưa làm. Cứ có việc gì dùng đến nhà tắm trong cảnh tối tăm là chị lại bực mình, lại cằn nhằn. Anh từ chỗ đem lý do bận công việc chưa có thời gian thay chuyển sang bực bội vì bị vợ cho rằng “vô trách nhiệm”. Kết quả là cái bóng đèn mãi không được thay còn bà vợ thì tiếp tục phàn nàn, cả hai đều cho rằng ở bên người kia thật khó sống!

Nhiều cặp vợ chồng khác cũng gặp cảnh tương tự. Đa phần các ông chồng nhìn nhận đây giống như “cuộc chiến vì quyền lực” của vợ, trong khi phụ nữ tỏ ra “tinh tế” hơn khi nhận định giữa hai vợ chồng dường như quá khác nhau nên không thể dung hòa.

Ở góc nhìn của các chuyên gia tâm lý, “hiện tượng” này trong quan hệ vợ chồng được nhìn nhận là hệ quả của những yêu cầu/ đòi hỏi (có thể là quá mức) không được đáp ứng và hành động tự bảo vệ từ xa, giống như đám mây đen bao phủ lên quan hệ vợ chồng, khiến cả hai người trong cuộc đều cảm thấy cô đơn, bị cô lập, bị từ chối. Ý thức được hành động của mình tác động lên hôn nhân thế nào để có trách nhiệm với từng lời nói, cách ứng xử, tập trung vào việc “mình đã làm gì” thay vì quá nặng nề chuyện “người kia đã làm gì với mình” sẽ giải quyết được sự mâu thuẫn từ những điều rất nhỏ trong hôn nhân.

Mỗi người nên cố gắng nhìn nhận sự việc sâu hơn và thực sự lắng nghe bạn đời của mình. Phân tích trường hợp của vợ chồng chị Hải Vân, có thể thấy từ cảm giác không được chồng quan tâm đến yêu cầu, cảm xúc của mình, chị Vân trở thành người vợ hay phàn nàn trong nỗ lực “bắt” chồng phải chú ý đến những khó khăn vợ chồng đang vấp phải. Nhưng chồng chị, mặt khác, quay lưng lại với vợ vì cho rằng anh có cố gắng tới mức nào cũng không làm hài lòng được chị. Cánh cửa giao tiếp giữa hai người được đóng lại để anh không phải nghe thêm những lời lẽ khó chịu từ “cái loa phường”...

Để có thể vượt qua khó khăn này, vợ chồng bắt buộc phải nhận ra được họ đã tự đánh mất sự kết nối với nhau và cần nỗ lực thiết lập lại mối liên hệ ấy, cần “tìm hiểu” lại từ đầu để nhận ra những ảnh hưởng của hai người lên nhau.

Cả hai đều cần nhận ra mọi lời chỉ trích, phê phán và việc đóng cảnh cửa giao tiếp thậm chí sẽ gây tổn thương lên cả hai. Mọi cuộc chiến tâm lý đều có khởi nguồn từ nỗi đau của việc mất đi sự kết nối, trong khi rõ ràng, chúng ta vẫn chỉ là giống loài rất cần sự yêu thương, gần gũi.