Vậy là chuyến dã ngoại của mấy gia đình bỗng chốc trở nên nặng nề. Chẳng riêng gì chị, mấy người phụ nữ cùng đi trong đám bạn bè ấy cũng quay đi gạt nước mắt thương chị và thằng bé. Cái cảnh con anh, con tôi nó thế; bao nhiêu năm nay chị đã phải chịu đựng nó. Rất nhiều lần vì bực bội, bức xúc điều gì đó, anh quay sang “mắng mỏ” mẹ con chị, thằng bé 12 tuổi thì luôn nhận được những câu nhiếc móc đến độ vô lối: “Cái nòi nhà mày nó thế!”… Thằng bé sợ hãi và lần nào như thế nó cũng chịu cái phản ứng rất lạ là nôn. Lần này cũng vậy! Mấy người chạy lại hỏi han thằng bé xem nó có làm sao không, chị càng tỏ ra bất lực: “Các chị kệ nó đi, nó không làm sao đâu, cứ nôn ra là xong thôi!”. Cái nỗi bất lực chan nước mắt kia thật khó diễn tả bằng lời…
Sự phân biệt đối xử của anh ai cũng nhận ra ngay từ khi chuyến dã ngoại mới bắt đầu. Với đứa con gái chung của 2 anh chị, anh lúc nào cũng như mật ngọt: “A, con gái đã dậy rồi đấy à! Con ngủ có ngon không? Con lên đây ngồi cạnh ba nào!”. Trong khi đó, với đứa con trai riêng của chị, anh lúc nào cũng gườm gườm: “Dậy đi chứ còn nằm ngủ mãi thế à?”, “Chơi thì nhớ trông em đấy!”… Nó 12 tuổi, cao lớn lừng lững nhưng đâu đã hiểu sự đời, nên ai nhìn vào cũng thấy thương nó, rồi thương cả chị nữa. Thương chị vì nỗi “đâm lao thì phải theo lao rồi, chứ biết làm sao?”.
Anh chị đến với nhau sau khi chị đã “lỡ một chuyến đò”. Chị và bố thằng bé chia tay khi nó được 3 tuổi. Đến khi nó 5 tuổi, thì chị lấy anh – một “trai tân” làm nghề thiết kế nội thất, mê du lịch và vẽ tranh. Ai cũng nhận ra, cho đến giờ anh vẫn rất tự hào về chị: “Trông mải chơi thế thôi, nhưng một mình vợ anh quản lý 3 nhà hàng đấy!”, “Bố cháu mê hoa hậu M., nên chọn mẹ cháu có khuôn mặt bầu giống cô ấy!”… Nhưng cái kiểu ghét thằng con riêng của chị ra mặt ở anh thì thật quá bản năng và khó chấp nhận. Đấy là điều anh biết trước ở chị và anh đã hứa chung lòng nuôi dạy con đấy chứ, có ai ép buộc đâu! Tội thằng bé lúc nào cũng nem nép trước anh, ăn cũng nhìn ba, nói cũng không dám…
Chị bạn đi cùng đoàn – người thân nhất với gia đình anh chị kể, lấy nhau được 2 năm là cảnh con anh con tôi đã ầm ĩ nhà cửa. Để cho gia đình yên ấm, mà cũng để thằng bé không bị tổn thương quá, chị đành gửi nó sống với ông bà ngoại. Nó đi học ở trường gần nhà bà, cuối tuần chị mới đón nó về với chị. Ấy thế mà nó vẫn như cái gai trước mắt anh, vẫn là nguyên cớ để những trận cãi vã vô lý nổ ra giữa anh chị. Chị thấy cực thân, thấy bí bách, nhưng “Không lẽ mình đã một lần đò, giờ lại thêm lần nữa…”. Lần nào xảy ra chuyện xong, một hai hôm sau anh cũng tỏ ra ân hận, lại làm lành và xin lỗi, nhưng rồi những lần tương tự vẫn không dừng lại. Nó tiếp diễn từ năm này sang năm khác, từ khi thằng bé 7 tuổi cho đến giờ là đã tròn 5 năm. Mà cái kiểu hằm hè, cái kiểu chửi văng mạng của anh mới làm cho chị khổ tâm. Thằng bé có lỗi gì đâu, mà anh đem nó ra chửi mắng, rồi chửi “vắt” cả sang những người sinh ra nó. Đó đã là chuyện quá khứ, lỗi có chăng là của người lớn nông nổi và bất hòa chứ không phải của thằng bé, để nó phải nghe người nó gọi là “ba” bây giờ đem ra mạt sát.
Một bên là chồng, một bên là con. Thằng bé giờ đã ở cái tuổi cần có cha mẹ sâu sát, chia sẻ bên cạnh để “lái” nó đi đúng đường, tránh khỏi những va vấp dễ mắc ở cái độ “tưởng mình đã lớn”. Nhưng ở hoàn cảnh này, chị sao có thể đưa nó về bên cạnh mình? Còn anh, chị vẫn nể và yêu cái đam mê nghề nghiệp, cái phong cách nghệ sĩ của anh. Nhưng cái kiểu phân biệt “con anh, con tôi” của anh thì sao chị có thể chung sống mãi? Lại còn đứa con gái nhỏ đang đề huề bố mẹ ở bên, đang được bao bọc trong tình yêu thương ngọt ngào của cha mẹ. Không lẽ bây giờ chị lại đành lòng để một đứa con nữa của mình không được ở gần bố? Rồi còn bản thân chị, bố mẹ chị… Thiên hạ nhìn vào sẽ nói sao?
Những nỗi day dứt, băn khoăn, những câu hỏi chất chồng trong chị suốt bao nhiêu năm qua. Chị đang cố gắng chịu đựng, gìn giữ, dung hòa các mối quan hệ để không lỡ chuyến đò thứ 2. Nhưng bạn bè nhìn vào cảnh sống ấy, nhìn vào cái nỗi ấm ức không thể dứt bỏ và dung hòa về chuyện con anh con tôi ở anh, nhiều người cho rằng ấy là một bài toán khó mà sức chị khó giải nổi.
Ảnh minh họa.
|