KTĐT - Chị Hoài nói, tuy hai con chị đều là con trai và rất quậy, nhưng cũng đầy những "góc khuất" trong tâm hồn. Từ năm ba tuổi, cháu Phương đã biết nhắc: "Mẹ ơi, mẹ đừng mặc đồ bộ khi đến trường rước con nữa".
"Con cái bây giờ xét nét cả bố mẹ. Hôm qua, bạn của con tới nhà chơi, mình kể chuyện gia đình, vậy mà bạn về, nó đùng đùng nổi giận: 'Mẹ phải biết giữ ý tứ giùm con chứ! Có phải đứa nào con cũng thân đâu mà mẹ cứ đem chuyện nhà ra kể...'. Giận thật!", chị Hải tâm sự.
Cũng rơi vào hoàn cảnh này, chị Minh Châu đang rối bời vì thấy các con càng lớn càng xa mẹ quá.
Chị kể, khi hai đứa con còn nhỏ, mỗi lần bạn bè chúng đến chơi, chị thường lo nước nôi, bánh trái... và cho đó cũng là cách để gần con hơn. Thế nhưng, gần đây, hai con chị không muốn như thế nữa, thỉnh thoảng còn nói xẵng: "Mẹ để đó đi".
"Hôm qua, bạn của nhỏ Út đến, mình pha trà chanh, gọt trái cây, vậy mà tiễn bạn xong, nó vào nhà gào lên: 'Mai mốt bạn con đến, mẹ đừng có lăng xăng như vậy nữa!'. Nghe mà tức", chị Châu bày tỏ.
Chị Hoài, nhân viên văn phòng ở một công ty quảng cáo ở TP HCM có hai cậu con trai đang tuổi lớn. Hè vừa rồi, cả công ty đi du lịch chung. Ở trên xe, ai cũng thấy chị Hoài ngọt ngào trả lời hai con: "Gì con? Mẹ nghe..." hết sức dịu dàng. Vậy mà khi đến nơi, lại nghe chị hét hai đứa nhỏ trong phòng: "Ngồi ngay ngắn lại. Tại sao hôm nay hai đứa nói chuyện với các cô chú mà không thưa, không dạ? Con có biết lỗi không?"...
Kết thúc chuyến đi, mọi người nhắc chuyện chị Hoài, ai cũng cười ồ, còn chị xuề xòa: "Mình cũng phải giữ 'bí mật' cho con chứ! Tụi nhỏ bây giờ hiểu biết sớm. Cách cư xử của mình ảnh hưởng đến chúng lớn lắm. Nếu mình không biết giữ thể diện cho con, chúng cũng làm mình... xấu hổ đó!".
Chị Hoài nói, tuy hai con chị đều là con trai và rất quậy, nhưng cũng đầy những "góc khuất" trong tâm hồn. Từ năm ba tuổi, cháu Phương đã biết nhắc: "Mẹ ơi, mẹ đừng mặc đồ bộ khi đến trường rước con nữa". Theo cháu, đồ bộ tức là đồ ngủ, không đẹp. Còn cậu con trai lớn mới học lớp 4, khi ngồi sau xe đã biết nhắc ba phải chạy chậm, đừng vượt đèn đỏ hay dừng xe quá vạch, bởi: "Ở trường, con là đội trưởng đội Sao đỏ, lúc nào cũng phải chấp hành tốt nội quy, ba chở con đi vậy, lỡ các bạn thấy thì kỳ lắm!".
Báo cáo trong một chuyên đề về giáo dục trẻ ở Đại học Sư phạm TP.HCM, thạc sĩ Vũ Thị Sai - giảng viên khoa Tâm lý Giáo dục của trường cho biết: Trong các nghiên cứu về trẻ em, các nhà giáo dục học đã phát hiện trẻ có thể diện và biết về thể diện từ rất sớm. Khái niệm thể diện với trẻ không "lớn" như người lớn nghĩ, mà đôi khi chỉ là cảm giác xấu hổ, mặc cảm trước một cái áo, chiếc giày so với bạn bè...
Theo bà Sai, những đòi hỏi của trẻ về cách ăn mặc, đi đứng, cư xử của cha, mẹ và những người lớn xung quanh, xét kỹ đều là đòi hỏi đúng, vì đó là chuẩn mực mà chúng ta thường dạy trẻ, nhưng khi trẻ "trao đổi lại", ta lại thấy bất ngờ. Những lúc như vậy, cha mẹ, người lớn đừng tự ái, sĩ diện mà phải xem xét lại hành vi của mình và xem cách góp ý của con trẻ có đúng không? Có thể cách xẵng giọng của trẻ lúc bộc lộ cảm xúc là không đúng, nhưng nội dung góp ý lại chính xác. Ở đây, người lớn nên chú trọng đến nội dung mà trẻ yêu cầu mình, đừng chỉ nghe âm sắc, hay nhìn cử chỉ... mà giận dữ. Nếu thiếu bình tĩnh, thiếu thận trọng, ta sẽ làm cho quan hệ mẹ-con, cha-con rạn nứt dần và khoảng cách thế hệ trở nên rõ rệt hơn.
"Giữ thể diện cho con không chỉ gói gọn trong việc không la mắng, mạt sát, chê bai trẻ mà còn phải biết giữ gìn cách cư xử, giao tiếp, ăn mặc... của chính mình. Xét cho cùng, thể diện của con cũng chính là thể diện của cha mẹ", nhà tâm lý chia sẻ.