Mới đây, ngày 29/12, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) vừa đăng ký bán ra 47,5 triệu cổ phiếu HNG. Theo đó, HAG dự kiến hạ sở hữu tại HNG từ mức 453 triệu cổ phiếu (40,83% vốn) xuống còn 405 triệu cổ phiếu (36,55% vốn). Các giao dịch dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 31/12/2020-29/1/2021, theo phương thức thỏa thuận. Nếu chiếu theo mức giá 14.200 đồng trong phiên 29/12/2020, ước tính thương vụ có giá trị vào khoảng 675 tỷ đồng.
Chiếu theo mức giá 14.200 đồng của HNG trong phiên 29/12/2020, ước tính thương vụ có giá trị vào khoảng 675 tỷ đồng |
HAG cho biết mục đích bán cổ phiếu HNG là nhằm cơ cấu các khoản nợ tại ngân hàng. Bởi lẽ tình hình kinh doanh năm 2020 của HAG tương đối khó khăn với kết quả lũy kế 9 tháng đầu năm lỗ ròng hơn 80 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 853 tỷ đồng).
Tại thời điểm 30/9/2020, HAG đang vay ngân hàng gần 6.000 tỷ đồng. Trong đó, các khoản vay ngắn hạn ngân hàng là hơn 1,5 ngàn tỷ đồng và vay dài hạn ngân hàng hơn 4,4 ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, trong số các khoản vay của HAG còn có khoản vay dài hạn đối với CTCP Nông nghiệp Trường Hải (Thagrico) số tiền gần 2,2 ngàn tỷ đồng và CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) hơn 1,9 ngàn tỷ đồng.
Việc thoái vốn này diễn ra trùng giai đoạn HNG dự kiến tổ chức đại hội cổ đông bất thường nhằm thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ và bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh. Vốn góp của chủ sở hữu công ty tính đến ngày 30/9 là 11.085 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu chỉ còn 8.550 tỷ đồng do công ty đang có lỗ lũy kế chưa phân phối.
Hiện, HAGL (HAG) và HAGL Agrico (HNG) đang được quan tâm bởi kế hoạch phát hành tăng vốn mới trong thời gian tới. Nhiều câu hỏi liên quan đến tỷ lệ sở hữu của bầu Đức cũng như THACO, hoặc cổ đông mới (nếu có) tại HNG sau phát hành được đặt ra. Trên thị trường đang xuất hiện nhiều thông tin liên quan đến đợt phát hành của HNG. Theo đó, nhiều khả năng đối tác tham gia đợt phát hành là nhóm cổ đông liên quan đến ông Trần Bá Dương và Thaco. Lộ trình có thể là đối tác tham gia mua cổ phần để hoán đổi khoản nợ khoảng 7.000 tỷ đồng, khiến tỷ lệ sở hữu của Hoàng Anh Gia Lai tại HNG còn 20%. Sau đó, đối tác này hoặc một bên liên quan mua lại 20% để sở hữu toàn bộ công ty.
Trước đó, trung tuần tháng 11 vừa qua, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) cũng đã hoàn tất bán ra 35 triệu cổ phiếu HAG theo phương thức thoả thuận. Thời gian giao dịch từ ngày 13-16/11/2020. Ghi nhận, bầu Đức đã thu về hơn 159 tỷ đồng từ thương vụ trên. Theo đó, bầu Đức đã giảm sở hữu tại HAGL từ mức 40,62% vốn (tương đương 377 triệu cổ phiếu) xuống còn 36,85% vốn (tương đương 342 triệu cổ phiếu). Mục đích bán ra cổ phiếu cũng nhằm làm tài sản đảm bảo tái cơ cấu khoản vay.
Tính đến ngày 30/9/2020, tổng tài sản của HAGL ghi nhận gần 42.078 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng 35% lên hơn 6.186 tỷ đồng. Dư nợ phải trả hiện vào mức 26.346 tỷ đồng, tăng 21%; chủ yếu tăng 40% nợ vay ngắn hạn và tăng 10% nợ vay dài hạn.
Mới đây, HĐQT HAGL đã thông qua Nghị quyết về việc chuyển đổi số dư nợ phải thu của Chăn nuôi Gia Lai với số tiền gần 5.866 tỷ đồng thành 587 triệu cổ phần (tương ứng 88.03% vốn tại Chăn nuôi Gia Lai).
Chính thông tin này đã kích thích đà tăng giá cổ phiếu HNG trong hai tháng qua, và bộ đôi HAG - HNG nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư với khối lượng giao dịch khá lớn.
Cụ thể, trong hiên hôm nay 29/12 có tới hơn 14,5 triệu cổ phiếu HAG được khớp lệnh, đến cuối phiên vẫn còn dư mua hơn 193 nghìn cổ phiếu và dư bán hơn 953 nghìn cổ phiếu. Đáng chú ý, trong một tuần gần đây mỗi ngày đều có hơn 15,2 triệu cổ phiếu HAG được khớp lệnh. Trong đó, có phiên nhiều nhất lên tới 23,3 triệu cổ phiếu (vào ngày 28/12). Hiện HAG đang giao dịch ở mốc 5.460 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó HNG cũng khớp lệnh hơn 5,1 triệu cổ phiếu phiên hôm nay. Đến cuối phiên vẫn dư mua hơn 402 nghìn cổ phiếu và dư bán hơn 822 nghìn cổ phiếu. Trong 1 tuần trở lại đây, trung bình mỗi ngày đều có hơn 6 triệu cổ phiếu HNG được khớp lệnh. HNG đóng cửa ở mức tham chiếu 14.200 đồng/cổ phiếu.
Còn trên thị trường chứng khoán nói chung, kết thúc phiên giao dịch chứng khoán ngày 29/12, VN-Index chốt phiên tăng 8,16 điểm lên sát 1.099,49 điểm; HNX-Index tăng 0,53 điểm lên 197,1 điểm. Upcom-Index tăng 0,73 điểm lên mốc 73,83 điểm.
Thanh khoản 3 sàn tiếp tục đạt mức khá cao với hơn 17,3 nghìn tỷ đồng, tương đương với khối lượng khớp lệnh hơn 914 triệu cổ phiếu.
Điều đáng nói, dù thanh khoản và khối lượng giao dịch dâng cao nhưng hôm nay hệ thống giao dịch tiếp tục gặp lỗi nghẽn mạng. Việc nghẽn lệnh giai đoạn vừa qua do thị trường chứng khoán nóng lên bất ngờ, số lệnh giao dịch trên thị trường tăng nhanh khiến thi thoảng hệ thống không kịp tiếp quản.
Trong phiên giao dịch hôm nay, trong nhịp đẩy VN-Index lên 1.100 điểm lần này có sự đóng góp không hề nhỏ của nhóm cổ phiếu "họ Vingroup". Theo đó, cả VRE, VHM, VIC đều tăng giá khá tốt. VHM đứng đầu nhóm tác động tích cực tới thị trường khi mang lại cho VN-Index hơn 2,3 điểm.
Ngoài ra, POW và nhóm cổ phiếu ngành năng lượng, dầu khí bứt phá mạnh mẽ.
Một số cổ phiếu ngân hàng đã lội ngược dòng tăng điểm nhẹ cuối phiên hôm nay trong khi đó đa phần vẫn đang điều chỉnh giảm nhẹ như VPB, HDB, CTG, STB...
Ở chiều ngược lại, GVR, VPB và CTG là những mã tác động tiêu cực nhất tới thị trường.