KTĐT - Ngày nay, châm cứu được ứng dụng phổ biến trong y học như: châm tê để hỗ trợ phẫu thuật ngoại khoa, châm cứu cắt cơn nghiện trong điều trị cai nghiện ma túy, châm cứu để giảm béo.
Châm cứu, bấm huyệt là những phương pháp chữa bệnh đơn giản, nhưng có công hiệu rất lớn trong phòng và chữa một số loại bệnh, tuy nhiên, nó lại trở thành con dao hai lưỡi nếu bị lạm dụng.
Ngày nay, châm cứu được ứng dụng phổ biến trong y học như: châm tê để hỗ trợ phẫu thuật ngoại khoa, châm cứu cắt cơn nghiện trong điều trị cai nghiện ma túy, châm cứu để giảm béo.
Tuy vậy, không phải ai cũng có thể chữa bệnh bằng phương pháp châm cứu này, bởi nếu thiếu hiểu biết và chưa có kinh nghiệm thì châm cứu có thể gây ra nhiều rủi ro, nguy hiểm.
Các bác sĩ hiện đang áp dụng một số phương pháp châm cứu thông dụng như:
- Điện châm: Dùng dòng điện để tăng kích thích của kim vào huyệt khi mắc điện cực của máy điện châm vào kim châm cứu và điều chỉnh cường độ của dòng điện phù hợp với ngưỡng của bệnh nhân. Điện châm hiện đang là phương pháp điều trị rất phổ biến trong lĩnh vực y học cổ truyền.
- Thủy châm: Dùng thuốc tiêm trực tiếp vào các huyệt.
- Cứu ngải: Dùng điếu ngải (được làm từ cây ngải cứu khô đã sao vàng và nghiền thành bột, sau đó lấy giấy bản quấn chặt lại giống như điếu xì gà) đã được châm lửa rồi hơ vào huyệt (y học cổ truyền gọi là cứu).
Bác sĩ sẽ dùng điếu ngải đã châm nóng, để cứu thẳng vào huyệt hoặc cứu vào đốc kim châm cứu, khi đó, tinh dầu của ngải cứu và hơi nóng sẽ tác động sâu vào huyệt giúp phục hồi những tổn thương nhanh chóng.
Châm cứu thường được dùng để điều trị các bệnh cấp và mãn tính như:
- Thần kinh: liệt dây VII ngoại biên (thường do nhiễm lạnh đột ngột), đau dây V và các dây thần kinh ngoại biên khác, máy mắt, sụp và mỏi mi mắt, liệt nửa người, đau thần kinh tọa, và nhiều chứng đau khác.
- Cơ xương khớp: giãn dây chằng, thoái hóa khớp gối, đau do thoái hóa cột sống cổ, lưng.
- Tuần hoàn: Huyết áp cao, thấp, rối loạn thần kinh tim.
- Tiêu hóa: Các bệnh về dạ dày, ruột.
- Sinh dục: Các bệnh rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh, di mộng tinh.
- Tiết niệu: Tiểu dầm, tiểu bí.
Những trường hợp không nên châm cứu:
- Những người cơ địa yếu, không thích nghi được.
- Những người có thể trạng yếu, suy kiệt, châm cứu dễ bị sốc.
- Bệnh nhân bị bệnh tiểu đường.
Mặc dù châm cứu tỏ ra rất hiệu quả trong điều trị một số loại bệnh, nhưng nếu không cẩn thận dễ gây ra những rủi ro nguy hiểm. Nếu bác sĩ châm cứu thẳng vào dây thần kinh, có thể dẫn đến bị liệt, teo cơ…
Khi châm kim, nếu người bệnh có cảm giác rất buốt, bác sĩ cần phải rút kim ra ngay lập tức. Bởi nếu châm sai huyệt, châm vào những huyệt nguy hiểm, châm quá sâu, có thể gây tử vong.
Do đó, để châm cứu chữa bệnh đạt hiệu quả, người bệnh chỉ nên đến bệnh viện, viện châm cứu đã được xác nhận của Bộ Y tế.
Không lạm dụng xoa bóp, bấm huyệt
Xoa bóp, bấm huyệt là một kích thích cơ học, trực tiếp tác động vào da thịt, thần kinh, mạch máu và các cơ quan cảm thụ gây nên những thay đổi về thần kinh, thể dịch, nội tiết, qua đó nâng cao năng lực hoạt động của hệ thần kinh. Đó là nền tảng đem lại những ứng dụng đột phá trong phòng, điều trị bệnh và nâng cao sức khỏe.
Đây là hai phương pháp thường được phối hợp nhuần nhuyễn trong phòng và chữa bệnh. Trước khi bấm huyệt, bác sỹ cần tiến hành xoa bóp để cơ vùng huyệt mềm mại, tránh tình trạng làm cơ phản ứng đột ngột gây co và tổn thương cơ.
Đối với cơ xương khớp, xoa bóp, bấm huyệt có tác dụng làm giãn cơ, đặc biệt là những nhóm cơ đã bị co cứng trước đó. Xoa bóp, bấm huyệt thường xuyên còn làm tăng tính linh hoạt của khớp và làm giảm khả năng bị chấn thương, cải thiện tư thế.
Ngoài ra, xoa bóp còn kích thích hệ thống lympho, làm tăng miễn dịch và cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể.
Xoa bóp, bấm huyệt tác động trực tiếp lên các thụ cảm thần kinh dày đặc ở dưới da tạo ra các đáp ứng phản xạ thần kinh có tác dụng điều hòa quá trình hưng phấn hay ức chế thần kinh trung ương, làm thư giãn thần kinh, giảm đau, giãn cơ, và cải thiện chức năng tiêu hoá, làm da bóng đẹp.
Xoa bóp còn có nhiều tác dụng phục hồi sức khỏe. Theo y học cổ truyền, xoa bóp, bấm huyệt thông qua tác động vào các huyệt, kinh lạc (kinh cân) có thể đuổi được ngoại tà, thông kinh hoạt lạc và điều hòa chức năng tạng phủ.
Do đó, bấm huyệt còn được kết hợp với châm cứu để trị bệnh. Bấm huyệt trước khi châm cứu sẽ làm tăng tác dụng của châm cứu lên rất nhiều.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp bác sỹ khuyến cáo chỉ nên bấm huyệt mà không được châm cứu như: cơ địa bệnh nhân không chịu được châm cứu, người mắc bệnh tiểu đường…
Khi cơ thể bị mệt mỏi sau thời gian lao động căng thẳng cả về thể xác lẫn tinh thần, xoa bóp, bấm huyệt cũng được xem là giải pháp hiệu quả và nhanh nhất để giúp lấy lại sự thăng bằng và tươi trẻ. Đối với phụ nữ muốn kéo dài tuổi thanh xuân, thường xuyên xoa bóp, bấm huyệt sẽ giữ gìn sức khỏe và sắc đẹp được lâu dài.
Đặc biệt, khi phụ nữ bước sang tuổi trung niên, xoa bóp, bấm huyệt thường xuyên sẽ giúp lưu thông khí huyết và tạo hưng phấn để nội tiết tố được duy trì dồi dào.
Ở người tuổi trung niên, đặc biệt là người cao tuổi, hoạt động của hệ thống cơ xương khớp và tạng phủ đã trì trệ, khí huyết lưu thông kém thì việc xoa bóp, bấm huyệt đều đặn là biện pháp rất tốt giúp khí huyết lưu thông, tăng cường nuôi dưỡng các tế bào và thải độc tố, làm giảm đáng kể quá trình lão hóa và ngăn ngừa phát sinh bệnh tật ở tuổi già.
Những trường hợp không được xoa bóp, bấm huyệt:
- Chấn thương: cả vết thương kín và vết thương hở khi bị tổn thương ở cơ, xương, khớp.
- Vùng bị viêm nhiễm tấy đỏ hoặc lở loét.
- Các chứng bệnh ngoại khoa: viêm ruột thừa, thủng dạ dày, viêm vòi trứng vỡ./.