

Ghi nhận ở lần trở lại Côn Đảo hôm nay là sự đổi thay mạnh mẽ của miền đảo thiêng liêng. Không chỉ là “địa chỉ đỏ” trong hành trình về nguồn của biết bao thế hệ, Côn Đảo còn hấp dẫn du khách gần xa bởi vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí của cánh rừng nguyên sinh và những dải cát biển trắng mịn màng bất tận… Đặc biệt, nhờ bàn tay chung sức, đồng lòng của những con người yêu mến, “phải lòng” miền đảo này, vấn nạn rác thải nhựa, bảo tồn thiên nhiên rừng - biển, đa dạng sinh học đã từng bước được xử lý để đảo xanh ngày một xanh hơn, đẹp hơn…

Ngắm nhìn Côn Đảo từ độ cao 600 – 900 m so với mực nước biển trên chiếc phi cơ ATR-72, chúng tôi thực sự choáng ngợp bởi màu xanh của rừng nguyên sinh bạt ngàn, của biển trời bao la bao phủ toàn bộ hòn đảo như một tấm áo choàng thiên nhiên kỳ diệu. Dưới ánh sáng lấp lánh của vạt nắng tháng 7, đảo nhỏ như thêm phần lộng lẫy, kiêu sa...
Những năm qua, bằng nỗ lực và tình yêu của người dân bám đảo, Côn Đảo đã bảo toàn nguyên vẹn diện tích rừng thuộc Vườn quốc gia (VQG) Côn Đảo với 5.890 ha rừng trên 14 hòn đảo thuộc Côn Đảo không bị xâm lấn, chặt phá, cháy rừng. Tỷ lệ che phủ rừng 92,93% (cao gấp 2 lần tỷ lệ che phủ rừng bình quân chung cả nước). Tài nguyên sinh vật rừng ngày càng phát triển, các quần thể rùa biển, chim biển đều có sự gia tăng từ 20-30% so với năm trước.

Chia sẻ với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, Trưởng phòng Bảo tồn và Hợp tác quốc tế thuộc Ban Quản lý (BQL) VQG Côn Đảo Lê Hồng Sơn cho biết, để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên rừng, biển, đa dạng sinh học, các Trạm bảo vệ rừng chuyên trách đã liên tục tuần tra (năm 2024 là 2.748 lượt). Thực hiện tốt các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô, từ năm 2024 đến nay không để xảy ra cháy rừng; đồng thời làm tốt Phương án bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo tồn đa dạng sinh học hợp phần bảo tồn biển VQG Côn Đảo…
Trong nhiều năm liền, Côn Đảo được biết đến là “thiên đường của rùa biển”, vùng biển nơi đây có số lượng rùa biển về đẻ trứng chiếm đến 90% số lượng rùa biển của Việt Nam. Vào các năm 2018, 2024 và 2025 tại bãi Cát Lớn thuộc Hòn Bảy Cạnh, VQG Côn Đảo còn đón 3 cá thể rùa mẹ đeo thẻ từ Indonesia (2018), Malaysia (22/4/2024), Philippines (22/5/2025). Phát hiện thú vị là trước đó năm 2007, cá thể rùa mẹ đeo thẻ Philippines này đã từng đến làm tổ đẻ trứng tại Côn Đảo.

Theo các tình nguyện viên tham gia hoạt động bảo tồn rùa biển do BQL VQG Côn Đảo phối hợp với Liên minh bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam (IUCN – Việt Nam) thực hiện, tỷ lệ sống sót của cá thể rùa con rất thấp (khoảng 1/1.000). Những chú rùa con ngay từ khi còn trong trứng đã phải đối mặt với vô vàn hiểm nguy, từ kẻ săn mồi tự nhiên đến những tác động tiêu cực do con người gây ra như: ánh sáng nhân tạo, rác thải nhựa và biến đổi khí hậu...
Chính vì thế, việc bảo vệ bãi đẻ, giám sát quá trình ấp trứng, “đỡ đẻ” cho các rùa mẹ và hỗ trợ thả rùa con về biển đã trở thành nhiệm vụ cấp thiết, góp phần duy trì sự sống mong manh của loài sinh vật biển vốn nằm trong “Sách đỏ” của IUCN. Tại VQG Côn Đảo, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2025 đã di dời thành công 553 tổ với 54.212 trứng; số tổ rùa nở 166 tổ, thả về biển 4.464 cá thể rùa con; đeo thẻ 123 cá thể rùa mẹ.

Không chỉ rùa biển, nhờ làm tốt công tác quản lý, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, Côn Đảo từ lâu đã trở thành “miền đất lành chim đậu”. “VQG đã gắn camera, máy bẫy ảnh theo dõi quần thể chim biển và các loài chim rừng tại các đảo: Hòn Trứng, Hòn Tre Nhỏ, Hòn Bông Lan… Kết quả ghi nhận được hơn 15.000 cá thể chim biển về sinh sản, ghi nhận sự xuất hiện trở lại của một số loài chim sau một thời gian vắng bóng, một số loài trước đây chỉ phân bố tại 1 khu vực thì nay đã tìm thấy trên nhiều khu vực khác” – ông Lê Hồng Sơn hồ hởi.

Được biết, VQG Côn Đảo có tổng diện tích gần 20.000 ha, trong đó: hợp phần bảo tồn rừng trên 14 hòn đảo có diện tích gần 6.000 ha; hợp phần bảo tồn biển 14.000 ha (gồm các hệ sinh thái rừng trên các đảo); và hệ sinh thái san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn phần dưới biển… trong đó có 18 bãi đẻ rùa biển.
Lo ngại vấn nạn rác thải nhựa đe dọa tới môi trường sinh thái, tài nguyên sinh vật rừng và biển của VQG, đặc biệt là hợp phần biển bao gồm các rạn san hô, bãi biển, eo vịnh, những năm gần đây, VQG Côn Đảo đã chủ động phối hợp thực hiện các kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.
Đặc biệt, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam); Liên minh bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam (IUCN - Việt Nam); một số doanh nghiệp (Công ty The Coi, Resort Sixsensex…) cũng chung tay đồng hành với VQG Côn Đảo và chính quyền địa phương triển khai mạnh mẽ các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn huyện Côn Đảo (nay là đặc khu Côn Đảo thuộc TP Hồ Chí Minh).

Những thông điệp: “Vì một Côn Đảo xanh”, “Giảm rác thải nhựa, tăng màu sống xanh”, “Ở đây không dùng túi nilon”... xuất hiện trên khắp mọi nẻo đường lớn nhỏ ở Côn Đảo, từ chợ, siêu thị, khách sạn, resort cho đến các điểm check-in du lịch, thu hút sự chú ý của du khách.
Không chỉ dừng ở hô hào khẩu hiệu, từ tháng 8/2024, với mục tiêu hạn chế rác thải nhựa, Côn Đảo đã áp dụng quy định: "Đối với các hãng tàu khách cao tốc, thực hiện lộ trình yêu cầu: không phục vụ hành khách đi tàu bằng nước uống đóng chai nhựa 350ml hoặc 500ml; không cấp phát khăn lạnh sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy; thay thế bằng các vật liệu phù hợp như chai nước thủy tinh 500ml, bình nước nhựa 20 lít sử dụng nhiều lần; sử dụng túi phân hủy sinh học, hộp giấy, ly giấy, giấy lau tiện lợi, dễ phân hủy, thân thiện với môi trường"...

Đặc biệt, tại các khu di tích trên đảo, “Gió lễ xanh” đã hoàn toàn thay thế mâm lễ sử sụng mút xốp, túi nilon, hàng mã, chai nhựa, khay nhựa dùng một lần... “Giỏ lễ xanh” là chương trình nằm trong chiến dịch tuyên truyền "nói không với hoạt động cúng, đốt hàng mã" tại các điểm di tích tại Côn Đảo. Mục tiêu nhằm giảm chất thải nguy hại gây ô nhiễm môi trường, định hướng văn minh trong dâng cúng tri ân và góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Đề án Nghiên cứu và Ứng dụng kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững Côn Đảo.

“Giỏ lễ xanh” được chính quyền và người dân Côn Đảo triển khai từ ngày 1/10/2023 với 4 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ 1/10/2023 đến 30/6/2024 tập trung vào tuyên truyền, vận động người dân, du khách hưởng ứng chủ trương hạn chế dâng cúng, đốt hàng mã khi thăm viếng các điểm, khu di tích bằng pano, áp phích và trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội. Giai đoạn 2 thực hiện "Ngày thứ Bảy Giỏ lễ xanh" (từ tháng 7/2024 đến hết tháng 9/2024). Giai đoạn 3 là "Tuần Giỏ lễ xanh", ấn định vào tuần đầu mỗi tháng trong 3 tháng 10, 11 và 12/2024. Từ ngày 1/1/2025, "chiến dịch Giỏ lễ xanh nói không với hoạt động cúng, đốt hàng mã" bước sang giai đoạn 4 triển khai đồng loạt 365 ngày trong năm tại tất cả di tích trên đảo.
Đại diện Trung tâm Bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo cho biết, mô hình "Giỏ lễ xanh" được thực hiện đã và đang mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường tại các điểm di tích như chỉ số chất lượng không khí hàng ngày (AQI) rất tốt, đặc biệt là tại Nghĩa trang Hàng Dương.
Đông đảo du khách cũng đánh giá cao chương trình "Giỏ lễ xanh", đặc biệt là chủ trương giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường ở Côn Đảo. "Chúng tôi ủng hộ và sẵn sàng thay đổi thói quen, hạn chế dùng đồ nhựa, dừng đốt hàng mã tại các điểm di tích, nghĩa trang để chung tay giữ gìn vẻ đẹp xanh, sạch của đảo" - chị Nguyễn Ngọc Hà, du khách đến từ TP Hà Nội chia sẻ.

Theo Trưởng phòng Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường VQG Côn Đảo Nguyễn Văn Ngà, trước đây khi nói về Côn Đảo, du khách thập phương nhớ về một “địa chỉ đỏ” Cách mạng với hệ thống nhà tù Côn Đảo, nghĩa trang Hàng Dương, các di tích lịch sử thiêng liêng, nhưng giờ đây Côn Đảo đã trở thành “thiên đường nghỉ dưỡng”, được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận.
Khác với Phú Quốc hay Nha Trang, Côn Đảo giữ được tính biệt lập, hoang sơ và đa dạng sinh học: là nơi bảo tồn rùa biển lớn nhất Việt Nam, có hệ sinh thái rừng ngập mặn, rừng nhiệt đới, rạn san hô, thảm cỏ biển vô cùng phong phú; là mái nhà của nhiều hệ động thực vật quý hiếm, trong đó có nhiều loài đặc hữu chỉ có ở Côn Đảo.
Với “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” ấy, Côn Đảo còn nhiều dư địa để phát triển, kết hợp du lịch sinh thái và du lịch tâm linh – lịch sử, tạo nên sản phẩm du lịch thế mạnh độc đáo chỉ riêng có ở miền đảo này.

Tháng 7 là mùa mưa ở đảo, những ngày lưu lại nơi đây, chúng tôi được hưởng trọn bầu không khí trong lành, mát dịu, thi thoảng xuất hiện những cơn mưa rào bất chợt như món quà dịu dàng của đất trời xua tan cái nắng nóng, oi nồng ban ngày, để lại khoảng trời nhẹ nhõm, yên bình cho đảo ngọc.
Hình ảnh một Côn Đảo xanh tươi, căng tràn sức sống, “điểm đến xanh, an lành và khác biệt” khiến những người con đất liền lưu luyến mãi không thôi, bởi hành trình đến miền đảo thiêng liêng tháng 7 còn là hành trình về với cội nguồn lịch sử, để thành kính biết ơn, để sống chậm lại và lắng nghe tiếng vọng của quá khứ, hun đúc thêm tinh thần yêu nước, yêu quê hương, bồi đắp lòng tự hào, tự tôn dân tộc...

