Thăng Long - Hà Nội xưa với cổ danh “Kẻ Chợ” ôm ấp trong lòng nó bao chợ phiên lớn nhỏ, đã thể hiện nhiều nét sinh hoạt văn hóa cũng như phong thái của người Hà thành. Giờ chợ phiên chỉ còn lác đác trong buổi đô thị hóa, nhưng lắng lòng sẽ thấy, phong vị Kẻ Chợ vẫn còn đây, trong hàng xáo, chợ phiên và người đô thị…
Hàng xáo, chợ phiên
Chợ phiên xưa mỗi làng mỗi khác, nơi tính ngày 2 - ngày 7, nơi lại tính ngày 1 - ngày 6, hay ngày 5 - ngày 10... Lại có những phiên chợ vẫn tính 1 tháng/6 phiên, nhưng ngày nào cũng họp đủ, trăm người bán, vạn người mua, đắt rẻ thế nào cũng hữu duyên bán mua cho vừa buổi chợ. Xưa, chợ họp nơi chân đê còn có cầu, có lán, nữa là những chợ làng, chợ tổng lâu đời, cầu chợ thường được xây và phân chia hẳn hoi: cầu hàng gạo, cầu hàng thịt, cầu hàng quà, cầu hàng xén... Người đi chợ bán hàng có thể chỉ ra đúng khu cầu chợ của mình dọn hàng ra bán, còn người mua hàng thì thường đi khảo giá, quan sát rồi mới quyết cởi hầu bao mua hàng. Nếu không vội có khi vãn người mới mua nốt theo nắm, theo mớ, tuy hình thức không được ưng ý nhưng lại hài lòng vì giá cả.
Xưa, cánh hàng thịt đao to búa lớn tiếng to, đàn bà có khi cười khơ khớ, đàn ông rít thuốc lào sòng sọc, uống rượu trong cầu quà sáng như cơm bữa, thì cánh các bà, các cô hàng xáo lại nền tính hơn hẳn. Người làm hàng xáo không chỉ khéo ăn khéo nói, đảm đang, thu vén mà còn hay đẹp người.
Những bà, những cô hàng xáo thắt đáy lưng ong, răng đen nhưng nhức hạt na, môi ăn trầu cắn chỉ để nhớ để thương cho người đến chợ. Nhất là khi bà đã già, cầm cái nón đi sau cô con gái mới lớn quẩy gánh hàng nặng vai thì phải biết những người “để ý”, “nhắm” hay đánh tiếng, xí phần cho con cháu mình. Người ta ý tứ rằng “Nhà có gạo không lo bị đói bao giờ”, rồi “cứ nhìn cung cách gánh gồng, ăn nói, sàng sẩy như mẹ thì ai chả muốn cưới hỏi về làm dâu con trong nhà”…
Có người bảo làm hàng xáo phải không biết mệt mới theo được, cứ nhìn lượng việc quay vòng thì biết. Chẳng cứ người làng mình gọi bán thóc, mà người làng bên, xã bên cũng gọi hàng xáo chợ tổng. Có khi đi chợ về chỉ kịp ăn bát cơm nháo nhào là lại lên xe thồ băng qua cánh đồng mà đong lấy dăm chục cân hay tạ hơn, tạ kém thóc về. Chẳng may gặp mưa, người thì chịu ướt, còn thóc phải bọc cho khô. Nghề hàng xáo luôn có công dù có khi lấy công làm lãi, lãi đủ gạo ăn trong nhà là cao, còn thì phải cố cám đủ nuôi lợn, trấu đun bếp… Có người chê cánh hàng xáo mồm thia lia, đong ca gạo nhìn thì có ngọn nhưng là đong điêu, rồi ca của hàng xáo 2 đáy... Quả là cũng có người như thế, nhưng chỉ là thi thoảng có người xảo chứ cánh hàng xáo ngồi cầu chợ quanh năm mấy người làm thế.
Người ta nói “lấy vợ hàng xáo tươm, cả đời ăn cơm trắng’’, lại nhớ thời bao cấp, gạo mậu dịch xát máy dối, lại đầy gạo nanh chuột, mốc, hẩm, được bát cơm trắng, không độn ăn không cũng ngon. Lúa nhiều giống ăn cứng cơm lại nhạt, chỉ cánh hàng xáo là biết gạo nào ngon cơm nên người làng, người thoát ly mong lấy vợ hàng xáo là phải…
Hàng xáo, chợ phiên - nỗi nhớ mang vóc dáng của đất Kẻ Chợ và những người phụ nữ đảm đang của vùng Kẻ Chợ, trải dài đã mấy mươi năm, thế mà mới như ngày hôm qua.
Còn lại chút này…
Đất Kẻ Chợ với vô số các chợ phiên nằm ở mỗi làng, mỗi trại ấp, trong buổi đô thị hóa nay chỉ còn lại hai chợ giữ được lệ họp theo phiên là chợ Bưởi (Chợ Bưởi một tháng sáu phiên/ Ngày tư, ngày chín cho duyên đèo bòng) và chợ Mơ (họp ngày 2 và ngày 7 hằng tháng). Thế nhưng, chợ Bưởi và chợ Mơ cũng đang ôm nguy cơ mất hẳn chợ phiên truyền thống để nhường chỗ cho các trung tâm thương mại, siêu thị.
May Hà Nội nay vẫn có những phiên chợ cổ được họp vào những dịp đặc biệt trong năm cho người đương thời vơi thương nhớ không khí chợ phiên xưa.
Ấy là phiên chợ cổ của làng Mọc được họp duy nhất một phiên trong năm vào ngày 27 tháng Chạp, kéo dài từ phố Quan Nhân đến đình Hoa Xuân và một đoạn ngõ chạy ra đến cửa đình Nhân Chính.
Ấy là chợ hoa Hàng Lược họp từ 23 tháng Chạp đến 30 Tết với cả “một trời hoa”; là phiên chợ độc đáo họp ở góc phố Hàng Mã và Hàng Rươi từ ngày 20 đến trưa 30 Tết với đủ đầy các vật dụng có mặt trong gia đình truyền thống xưa như câu đối, lư hương, chậu đồng, mâm đồng, nghiên mực… Những phiên chợ như thế tồn tại giữa lòng Hà Nội làm lắng lại cái ồn ào, xô bồ của cuộc sống đô thị đang đà phát triển mạnh và cũng là minh chứng cho những nét văn hóa đặc sắc của một vùng đất ngàn năm văn hiến.
Vùng ven đô thì chợ làng vẫn đến hẹn lại lên, những chợ Đăm, chợ Canh, chợ Nhổn, chợ Trôi, chợ Gối… vẫn thu hút khách xa gần về chơi chợ và chụp ảnh. Chợ mang chút lề xưa thói cũ, nhưng vô cùng mới mẻ, hiện đại. Hàng xáo chợ làng cũng còn tính phiên chợ làng này, làng kia để bán hàng nhưng xem ra cung cách khác xưa nhiều. Thóc gạo đồng đất quê đem xát trắng nhàn tênh, trấu có người đặt mua, cám cũng vậy. Gạo đem về chợ kén người mua thứ gạo quê đậm cơm, chứ nhiều người từ lâu lại thích gạo miền Nam dẻo và sóng, bóng hơn.
Từ lâu, người làm hàng xáo nhanh nhẹn, sẵn mối đã lập đại lý gạo tại nhà hay thuê ki ốt đầu làng, tiện thông thương vì gạo nhập về theo tấn, cùng với đồ khô đậu, lạc, vừng, miến và cả mộc nhĩ, nấm hương... Vẫn như xưa, người làm hàng xáo no đủ, thì nay nhà nào có đại lý gạo trong làng hay ki ốt gạo đầu chợ vẫn là nhất. Nay nhiều cánh đồng đã chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng hoặc đã thành nhà máy hay những khu đô thị…, người ta đong gạo ở đại lý là phải. Cũng chẳng mấy người còn gánh gồng, bởi chỉ cần gọi một cuộc điện thoại là yến gạo đúng loại yêu cầu được đem đến tận nhà.
Người ta đã nhẩm đếm, Hà Nội hiện nay có hơn 400 chợ, siêu thị và trung tâm thương mại phân bổ trên tất cả các quận, huyện, mà tập trung nhiều nhất là tại khu vực đô thị. Trước thực tiễn quy mô, không gian và cơ hội phát triển của TP, ngành công thương Hà Nội đã bắt tay xây dựng quy hoạch mạng lưới chợ hoàn chỉnh để khẳng định vai trò, vị thế Thủ đô - trung tâm thương mại, dịch vụ của cả nước. Theo đó, mạng lưới bán buôn, bán lẻ của Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ có 489 chợ, 162 trung tâm thương mại, 178 đại siêu thị và siêu thị.
Hà Nội sẽ không xây dựng chợ ở 4 quận nội thành cũ, mà lựa chọn nâng cấp chợ quy mô lớn thành trung tâm mua sắm kết hợp chợ dân sinh. Sẽ hình thành 2 chợ đầu mối bán buôn nông sản - thực phẩm tổng hợp cấp vùng ở huyện Gia Lâm và Thường Tín, một số chợ đầu mối nông sản tổng hợp và chuyên doanh ở quận Hoàng Mai, quận Nam Từ Liêm, quận Bắc từ Liêm và các huyện Ứng Hòa, Ba Vì, Mê Linh.
Hai trung tâm mua sắm cấp quốc gia cũng được đặt tại huyện Đan Phượng và huyện Thạch Thất với quy mô khoảng 500.000m2; 5 trung tâm bán buôn tổng hợp đặt tại các huyện Gia Lâm, Sóc sơn, Chương Mỹ, Thạch Thất và Thường Tín với quy mô từ 150 - 200ha.
Phong thái Kẻ Chợ xưa vẫn còn ẩn hiện trong chợ phiên nay, nhưng Hà Nội ngày càng phát triển, nguy cơ chợ phiên biến mất hẳn khỏi đời sống là có thể. Phải chăng, trong hành trình phát triển, Hà Nội cần có những chính sách để bảo tồn một số chợ phiên độc đáo, tiêu biểu cho văn hóa Hà Nội, với ý nghĩa vừa bảo tồn văn hóa truyền thống, vừa phục vụ phát triển kinh tế và du lịch.