Còn dễ dãi, nhiều rủi ro trong quản lý cơ sở mầm non ngoài công lập

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại cuộc bàn tròn "Đảm bảo an toàn cho trẻ trong cơ sở giáo dục mầm non - Thực trạng và giải pháp" diễn ra mới đây, rất nhiều ý kiến khẳng định: Cơ sở vật chất chưa đảm bảo, chạy theo lợi nhuận, chủ cơ sở không có chuyên môn sư phạm… là nguy cơ tiềm ẩn tình trạng mất an toàn ở trẻ mầm non (MN).

Nguy cơ tiềm ẩn

Theo thống kê của Vụ giáo dục MN, Bộ GD&ĐT, cả nước hiện có 4,8 triệu trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi đến trường. Thực tế, hệ thống cơ sở giáo dục MN công lập không đáp ứng đủ nhu cầu gửi trẻ, nên cơ sở MN ngoài công lập mọc lên "bù lấp khoảng trống". Tuy nhiên, các trường tư thục, nhất là các nhóm lớp, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, chủ cơ sở không có chuyên môn sư phạm để quản lý... được xác định là nguy cơ tiềm ẩn khiến trẻ mất an toàn.
Giờ học của cô và bé trường Mầm non White Bunny Hà Nội. 	Ảnh: Anh Tú
Giờ học của cô và bé trường Mầm non White Bunny Hà Nội. Ảnh: Anh Tú
Riêng TP Hồ Chí Minh hiện có 1.006 trường, trong đó 431 trường công lập; 1.551 nhóm lớp, trong đó còn 121 nhóm lớp chưa được cấp phép và 485 hộ gia đình giữ trẻ. Trong khi đó, tại Bình Dương, đại diện Phòng GD&ĐT thị xã Dĩ An cho biết, trên địa bàn có hơn 100 nhóm trẻ gia đình, nhiều nhóm vẫn hoạt động dù chưa xin phép. Hầu hết các điều kiện bảo đảm an toàn cho trẻ đều "có vấn đề" như: Chưa có cửa ngăn cách phòng chơi với nhà bếp, nhà vệ sinh không đúng chuẩn, thiết bị điện ở tầm thấp, chất tẩy rửa để ở tầm tay trẻ, thiếu đồ dùng đồ chơi...

Tại Hà Nội, có tới 515.000 trẻ, nên số lượng trẻ phải theo học tại các trường ngoài công lập lên tới trên 100.000 trẻ. Vậy nhưng, công tác quản lý các nhóm, lớp tư thục vẫn đầy những bất cập. Bà Nguyễn Thị Mỹ Trinh - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết, khi kiểm tra các cơ sở giáo dục MN, nhiều nơi vẫn đưa ra được chứng chỉ quản lý giáo dục, nhưng khi đưa phiếu điều tra thì nhận được câu trả lời không thỏa đáng. “Điều này cho thấy, đằng sau mấy tấm chứng chỉ có rất nhiều vấn đề. Nếu để những người không hiểu biết quản lý cơ sở MN thì trẻ bị bạo hành sẽ là nguy cơ cao” – bà Trinh nhấn mạnh.

Buông lỏng quản lý

Không chỉ thiếu thốn cơ sở vật chất, năng lực của chủ các cơ sở MN cũng là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm. Đa số ý kiến cho rằng, quy định dành cho chủ nhóm lớp còn quá dễ dãi khi chỉ cần học hết THPT, có chứng chỉ học nghề trong 3 tháng. Lãnh đạo nhiều địa phương còn cho rằng, quản lý Nhà nước cần được xốc lại, nhất là kiểm tra điều kiện cấp phép mở trường, mở nhóm lớp MN.

Như bà Nguyễn Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND phường Dương Nội (quận Hà Đông, Hà Nội) phân tích, với quy định dành cho chủ nhóm trẻ hiện nay, người không qua trường lớp đào tạo, không có trình độ, nghiệp vụ sư phạm cũng có thể làm quản lý. Vậy nên khi làm việc, nhiều chủ cơ sở phó mặc cho giáo viên dạy trẻ, chính là nguy cơ trẻ dễ bị bạo hành. “Qua kiểm tra biết được bất cập này, nhưng các cơ sở xuất trình đủ giấy tờ pháp lý nên không có lý do để xử lý. Theo tôi cần có chế tài mạnh để siết chặt quản lý cơ sở MN tư thục” - bà Thu kiến nghị.

Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội còn bày tỏ: “Ở các nhóm lớp tư thục, chủ nhóm chạy theo lợi nhuận, không tuyển chọn giáo viên kỹ, áp lực công việc lớn. Lương thấp, không xứng với công sức bỏ ra khiến giáo viên không có động lực làm việc, dẫn đến lúng túng, làm bừa. Để không còn những tiềm ẩn mất an toàn cho trẻ, trước hết, siết chặt quản lý cấp phép; quy định chặt chẽ hơn cho chủ cơ sở, ít nhất phải có chuyên môn sư phạm MN, bằng trung cấp sư phạm MN”.

Đúng như các chuyên gia nhận định, siết chặt quản lý cấp phép để bảo đảm các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, sẽ quyết định chất lượng hoạt động của các cơ sở MN tư thục. Đã đến lúc nhìn thẳng vào những bất cập về chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên MN để có chấn chỉnh bức tranh giáo dục MN hiện nay.