Con đường mở cho thí sinh trượt đại học

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại học (ĐH) không phải con đương duy nhất và ngắn nhất để đến tương tại. Thế nên, thí sinh trượt ĐH không hẳn không còn cơ hội để tìm một nghề thích hợp, thậm chí "đắt giá".

Vào đại học cho “oai”?

 

Thi khối A vào ngành Quản lý đất đai, ĐH TN&MT Hà Nội được 12 điểm, ngành Kỹ thuật y học, ĐH Y Hà Nội được 13 điểm, H.A (huyện Thanh Trì) không có cơ hội vào ĐH. Bố mẹ H.A khuyên chọn một nghề để học vì điều kiện gia đình không cho phép, nhưng cô bé không chịu. H.A muốn học ôn để sang năm thi lại ĐH ngành y. H.A chỉ là một trong nhiều thí sinh có điểm thi dưới sàn ĐH, nhưng không lựa chọn học CĐ hay CĐ nghề, mà nhất thiết phải vào học ĐH dù chưa biết cơ hội việc làm sau khi ra trường thế nào.

 
Giờ thực hành của sinh viên trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao Hà Nội.      Ảnh:  Thanh Hải
Giờ thực hành của sinh viên trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Cũng có trường hợp cha mẹ muốn con phải vào ĐH để được "nở mày nở mặt" với hàng xóm, mà chưa nhìn vào thực tế, hiện, số sinh viên tốt nghiệp ĐH thất nghiệp nhiều. Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, từ đầu năm đến nay có hơn 50.000 doanh nghiệp trong cả nước phá sản, hơn 1.000.000 lao động thất nghiệp. Tỉnh Thanh Hóa có đến 25.000 sinh viên tốt nghiệp ĐH không có việc làm; tỉnh Nghệ An có 12.000 sinh viên tốt nghiệp ĐH thất nghiệp… Thống kê của Bộ GD&ĐT cũng cho thấy, hơn 37% sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, 94% người đi làm phải đào tạo lại. Vì không xin được việc làm, nhiều người tốt nghiệp ĐH chấp nhận làm công việc của người có trình độ trung cấp và phải đào tạo lại từ đầu. Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2014, lao động làm trong các ngành dịch vụ sẽ dư thừa rất nhiều.

 

Học nghề - con đường ngắn

 

Nói về chuyện "sính" ĐH, ông Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hội Giáo dục cho mọi người Việt Nam cho rằng: "Từ xưa, ông cha ta có câu nói: "Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng", "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh". Những cháu thi ĐH lần đầu không đỗ mà cứ kiên trì thi đi thi lại vì cho rằng "không học ĐH là không thành người" là sai lầm. Trong xã hội có người học cao, có người đi học nghề cũng giống như mâm cơm có thịt, cá, rau, dưa". Đồng tình với quan điểm này, ông Dương Đức Lân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTB&XH) khuyên các em có học lực từ khá trở xuống hãy đi học nghề để ra trường dễ kiếm việc cho thu nhập khá: "Hiện, ngành nghề nào cũng dễ xin việc (trừ vài ngành kinh tế) vì thiếu nhân lực vô cùng". SV tốt nghiệp trường CĐ nghề ra trường đi làm có mức lương khởi điểm bình quân là 3,5 triệu đồng/tháng, nhiều em có mức lương 5 - 6 triệu đồng, có em mức lương lên đến gần 10 triệu đồng/tháng".

 

Thực tế, thời gian thực hành trong quá trình đào tạo ở các trường CĐ, CĐ nghề chiếm tới 70%, đào tạo lại gắn với doanh nghiệp, nên sinh viên có nhiều cơ hội kiếm việc làm. Năm học 2012 - 2013, 70% sinh viên CĐ Công nghiệp Dệt may và Thời trang Hà Nội có việc làm sau 3 tháng tốt nghiệp; 80% sinh viên CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội tìm được việc làm sau tốt nghiệp một tháng với mức lương từ 4.000.000 - 10.000.000 đồng. Ông Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng trường CĐ Công nghệ cao Hà Nội chia sẻ: "Trường hợp tác với hơn 200 doanh nghiệp trong đào tạo và thực hành. Chúng tôi cam kết, 100% sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm nếu đạt chuẩn và phải có 5 chứng chỉ đầu ra (tiếng Anh, tin học, kỹ năng mềm, chuyên môn, quản trị kinh doanh)".

 

Con đường học nghề mà Phạm Văn Hinh (CĐ Công nghệ cao Hà Nội) chọn sau khi đã học một năm tại ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP Hồ Chí Minh) là một ví dụ điển hình cho sự lựa chọn đúng. Hinh chuyển sang học nghề vì thấy môi trường học ĐH không thực tế với mình. Và với tấm bằng tốt nghiệp loại xuất sắc, từ 15/8/2013, Hinh được nhà trường giữ lại làm giáo viên. Cùng khóa với Hinh còn có Nguyễn Văn Thơm, cũng đang phụ trách bộ phận kế hoạch sản xuất của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam. Thơm cho biết, cậu đã từng thi đỗ ĐH Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội vì mong muốn của bố mẹ, nhưng sau đó em chọn học nghề CNTT. Trước khi ra trường khoảng 2 tháng, cậu đã trúng tuyển vào làm tại bộ phận kế hoạch của công ty với mức lương hơn 8 triệu đồng/tháng. Cả 2 em đều khẳng định: "Nếu không có học lực giỏi, không lựa chọn được con đường nào ưng ý nhất, thì hãy chọn học nghề. Đó là con đường phù hợp nhất và sớm mang đến thành công".