Ngôi làng Đồng Mai (xã Đồng Mai, huyện Thanh Oai) ấy có Quốc lộ 6 chạy qua, có sông, có bãi, giữa một vùng trù mật xứ Bắc, dân thạo canh nông, bãi bốn mùa xanh. Mươi năm gần đây xã lên phường, cắt về quận Hà Đông - một quận mới của Hà Nội.
Nhiều xã ven đô với những lý do khác nhau mà góp phần làm nên quá trình đô thị hóa, người trong làng xưa theo Quốc lộ 6 đi Tây Bắc buôn chuyến lúc nông nhàn, hay ra mặt phố đón nông lâm sản qua phà sông Đáy, rồi qua cầu Mai Lĩnh nhập buôn, bán cho cánh cất hàng đại lý hay bán lẻ. Chỉ biết làng mình tiện giao thương, mấy người nghĩ, cơ chế thay đổi làng đã lên phố. Vốn bản tính nhanh nhẹn, người làng “bắt” cơ chế thị trường rất nhanh, đầu cầu Mai Lĩnh trở thành điểm trung chuyển lớn.
Người có nhà mặt đường, có vốn, có đầu óc kinh doanh nhanh chóng gặp thời, lên ông bà chủ… Người trong làng cũng tìm cách lấp đầy những khoảng còn trống của mặt phố. Bẵng đi mấy năm, từ một con phố tỉnh lẻ, ven đô lèo tèo vài quán hàng dừng chân cho xe tải, nay phố Mai Lĩnh đã có trong bản đồ tìm kiếm của những người quan tâm đến nông, lâm sản các miền.
Làng xưa với những con đường nhỏ lầy lội, nát bét bởi xe bò kéo mía ngoài bãi vào làng đã không còn. Những nhà có xưởng ép mật mía với dòng mật đen, đổ vào chảo gang nấu thơm lừng ngay sân nhà bị xóa sổ. Ao chuôm đã kè lại, đường mới đã xây, đôi cây duối già nua, thân mốc thếch đánh dấu lộ giới đất nhà, đất làng... Gương mặt làng xã đã khác, những tưởng xưa cũ mai một đi nhiều, nhưng “đất lề, quê thói”.
Tết là sum vầy, người làng có đi xa mấy vẫn tìm về chốn quê nhà ăn Tết. Nơi ban thờ, mùi hương trầm tỏa, mâm ngũ quả xanh chuối, vàng bưởi, quýt đỏ, trầu cau tươi dâng lễ tiên tổ. Người làng vẫn gói bánh ở hiên nhà, luộc bánh cuối sân, đám trẻ con mải chơi khắp xóm, đám trung niên bắt đầu lưu tâm hơn những nền nếp cúng lễ. Người trong họ tộc trong dịp Tết thường sửa lễ dâng tại nhà thờ của dòng họ. Không cần mâm cao, cỗ đầy mà quan trọng là thành tâm. Đây chính là nơi mỗi người trưởng thành tĩnh tâm nhìn lại mình để định hướng cho những chặng xa gần trong cuộc đời.
Trong dòng chảy của cuộc sống mới, làng lên phố, vì lý do gì đi nữa thì làng xã ven đô vẫn còn đó những lề lối xưa cũ, chứ không đáng lo như người ta vẫn nghĩ. Chẳng thế mà Tết đến, đường phố thì vắng, đường quê thì đông, người quê vẫn bảo “vui như Tết”.
Những làng ven đô đã và đang dần mang một diện mạo mới, “người nhà quê” ăn mặc cũng khác, cấy trồng nhàn hơn xưa, xe máy, ô tô chật ngõ mỗi khi nhà có việc hay làng có hội, nhưng không vì thế mà người ta quên lề lối, bỏ mặc hương ước.
Thế nên, suốt một chặng dài, suốt bốn hướng Nam, Bắc, Đông, Tây làng thành phố, xã lên phường, những làng hút xa giữa đồng nay có quốc lộ hay đường vành đai chạy qua thì người làng vẫn tự tin đón nhận với tâm thế của người biết làm chủ. Những làng có nghề phụ, có di tích, người dân không chỉ tự hào với truyền thống, mà còn biết quảng bá để làng mình được bè bạn xa gần tìm đến. Những cái tên Bình Đà, Bối Khê, Chuông, Vác, Võ Lăng, Cự Đà, Thanh Thùy, Thiết Ứng, Mỹ Hưng… hay vùng Thạch Thất, Sơn Tây, vùng ven sông Hồng như Thượng Cát, Bồng Lai… đều có sự tiếp nối cổ - kim trong hành trình hội nhập, phát triển của mình. Bước đi trong rêu phong xưa cũ, cảm nhận được tình người ấm áp trong giao đãi của anh em họ mạc, xóm giềng. Làng xã khác xưa về diện mạo, mà lại vẫn như xưa bởi “đất lề, quê thói” và những mỹ tục truyền đời.